Xử phạt vi phạm hành chính hành vi không có giấy chứng nhận nhân viên bảo vệ?
Cơ sở kinh doanh dịch vụ bảo vệ cần phải có các điều kiện theo Điều 11 Nghị định 96/2016/NĐ-CP như sau:
+ Điều kiện theo Điều 7 Nghị định 96/2016/NĐ-CP về điều kiện về an ninh, trật tự áp dụng chung cho các ngành nghề;
+ Là doanh nghiệp.
+ Người chịu trách nhiệm về an ninh, trật tự của cơ sở kinh doanh dịch vụ bảo vệ phải có bằng tốt nghiệp từ cao đẳng trở lên và không phải là người chịu trách nhiệm về an ninh, trật tự của cơ sở kinh doanh dịch vụ bảo vệ mà trong 24 tháng liền kề trước đó đã bị thu hồi không có thời hạn Giấy chứng nhận đủ điều kiện về an ninh, trật tự (trừ quy định tại khoản 2 Điều 22 Nghị định 96/2016/NĐ-CP).
+ Cơ sở kinh doanh dịch vụ bảo vệ của Việt Nam liên doanh với cơ sở kinh doanh nước ngoài:
Cơ sở kinh doanh dịch vụ bảo vệ của Việt Nam chỉ được liên doanh với cơ sở kinh doanh dịch vụ bảo vệ nước ngoài trong trường hợp cần đầu tư máy móc, phương tiện kỹ thuật phục vụ công tác bảo vệ và chỉ được thực hiện dưới hình thức cơ sở kinh doanh nước ngoài góp vốn mua máy móc, phương tiện kỹ thuật phục vụ công tác bảo vệ.
+ Cơ sở kinh doanh nước ngoài đầu tư góp vốn với cơ sở kinh doanh dịch vụ bảo vệ của Việt Nam:
Là doanh nghiệp đang hoạt động kinh doanh dịch vụ bảo vệ liên tục ít nhất 05 năm;
Người đại diện cho phần vốn góp của cơ sở kinh doanh nước ngoài là người chưa bị cơ quan pháp luật của nước ngoài nơi họ hoạt động kinh doanh xử lý về hành vi vi phạm có liên quan đến hoạt động kinh doanh dịch vụ bảo vệ từ cảnh cáo trở lên;
+ Phần vốn góp của cơ sở kinh doanh nước ngoài chỉ được sử dụng để mua máy móc, thiết bị kỹ thuật phục vụ công tác bảo vệ. Số vốn góp đầu tư của cơ sở kinh doanh nướcngoài ít nhất là 1.000.000 USD (một triệu đô la Mỹ). Việc định giá máy móc, thiết bị kỹ thuật do cơ quan quản lý nhà nước về giá có thẩm quyền từ cấp tỉnh trở lên thực hiện; chi phí định giá do cơ sở kinh doanh dịch vụ bảo vệ chi trả.
Đối với nhân viên dịch vụ bảo vệ thì doanh nghiệp chỉ được sử dụng nhân viên viên bảo vệ đã được đào tạo và được cấp chứng chỉ nghiệp vụ bảo vệ; có hợp đồng lao động với nhân viên dịch vụ bảo vệ.
Đối chiếu với các quy định xử phạt vi phạm hành chính về quản lý hoạt động kinh doanh dịch vụ bảo vệ theo Điều 13 Nghị định 167/2013/NĐ-CP:
1. Phạt cảnh cáo hoặc phạt tiền từ 100.000 đồng đến 300.000 đồng đối với một trong những hành vi sau đây:
a) Nhân viên bảo vệ không mặc trang phục, không đeo biển hiệu hoặc sử dụng biển hiệu trái quy định khi thực hiện nhiệm vụ bảo vệ;
b) Không có giấy chứng nhận nhân viên bảo vệ do giám đốc doanh nghiệp cấp.
2. Phạt tiền từ 200.000 đồng đến 500.000 đồng đối với một trong những hành vi sau đây:
a) Không thông báo cho cơ quan có thẩm quyền về nơi đặt trụ sở hoặc mục tiêu bảo vệ, thời gian bắt đầu hoạt động của doanh nghiệp, chi nhánh, văn phòng đại diện; không báo cáo định kỳ hoặc không thông báo ngay cho cơ quan có thẩm quyền về việc mất giấy xác nhận đủ điều kiện về an ninh, trật tự;
b) Không xuất trình được giấy xác nhận đủ điều kiện về an ninh, trật tự để kinh doanh dịch vụ bảo vệ khi có yêu cầu kiểm tra của cơ quan có thẩm quyền;
c) Sử dụng nhân viên dịch vụ bảo vệ chưa qua đào tạo hoặc chưa được cấp chứng chỉ nghiệp vụ bảo vệ;
d) Không thực hiện hoặc thực hiện không đầy đủ việc đào tạo, sát hạch nhân viên dịch vụ bảo vệ.
3. Phạt tiền từ 2.000.000 đồng đến 5.000.000 đồng đối với một trong những hành vi sau đây:
a) Tiến hành hoạt động kinh doanh các ngành, nghề và dịch vụ khác ngoài dịch vụ bảo vệ, trừ trường hợp quy định tại Điểm c Khoản 4 Điều 13 Nghị định 167/2013/NĐ-CP;
b) Không thông báo cho cơ quan có thẩm quyền về việc thay đổi người đứng đầu doanh nghiệp, chi nhánh, văn phòng đại diện;
c) Không thực hiện việc cấp giấy chứng nhận nhân viên bảo vệ hoặc biển hiệu cho nhân viên bảo vệ;
d) Tuyển dụng nhân viên dịch vụ bảo vệ không đảm bảo điều kiện, tiêu chuẩn theo quy định.
4. Phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng đối với một trong các hành vi sau đây:
a) Kinh doanh dịch vụ bảo vệ mà không có giấy xác nhận đủ điều kiện về an ninh, trật tự để kinh doanh dịch vụ bảo vệ;
b) Trang bị các trang phục, biển hiệu, cấp hiệu, mũ cho nhân viên dịch vụ bảo vệ trái quy định;
c) Hoạt động điều tra, thám tử tư dưới mọi hình thức;
d) Cho người khác mượn tên tổ chức, cá nhân để thành lập doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ bảo vệ;
đ) Thành lập doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ bảo vệ để cho người khác kinh doanh;
e) Đào tạo, cấp chứng chỉ nghiệp vụ bảo vệ cho nhân viên dịch vụ bảo vệ mà không được phép, không thuộc thẩm quyền;
g) Hoạt động kinh doanh dịch vụ bảo vệ nhưng không ký hợp đồng với cá nhân, tổ chức thuê dịch vụ bảo vệ;
h) Thuê dịch vụ bảo vệ nhưng yêu cầu nhân viên dịch vụ bảo vệ sử dụng vũ lực hoặc thực hiện các hành vi vi phạm pháp luật, xâm hại quyền và lợi ích hợp pháp của cá nhân, tổ chức;
i) Thuê dịch vụ bảo vệ nhằm mục đích đe dọa, cản trở hoặc gây khó khăn cho hoạt động bình thường, hợp pháp của cá nhân, tổ chức.
Như vậy, hiện nay, việc kinh doanh dịch vụ bảo vệ đã bỏ quy định về giấy chứng nhận nhân viên bảo vệ do doanh nghiệp cấp. Do đó, quy định về xử phạt giấy chứng nhận nhân viên bảo vệ không được áp dụng tại thời điểm hiện tại nữa.
Trên đây là tư vấn của Ban biên tập Thư Ký Luật về xử phạt vi phạm hành chính hành vi không có giấy chứng nhận nhân viên bảo vệ. Bạn nên tham khảo chi tiết Nghị định 96/2016/NĐ-CP để nắm rõ quy định này.
Trân trọng!
Thư Viện Pháp Luật