Xử phạt vi phạm đối với hành vi giả chữ ký trên chứng từ kế toán

Xử phạt vi phạm đối với hành vi giả chữ ký trên chứng từ kế toán. Hiện tại tôi có nhận một bộ hồ sơ do Cơ quan điều tra chuyển đến đề nghị xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực kế toán. Trên hồ sơ một số đối tượng ký giả chữ ký của người khác, chữ ký thật những chứng từ không đúng thực tế. Vậy các đối tượng trên có vi phạm vào Khoản a Điểm 4 Điều 7 Nghị định 105/2013/NĐ-CP ngày 16/9/2013 của Chính phủ về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực kế toán? Mong nhận được tư vấn của Ban biên tập Thư Ký Luật. Chân thành cảm ơn!

Thứ nhất, Khoản 4 Điều 7 Nghị định 105/2013/NĐ-CP về xử phạt vi phạm hành chính trong hoạt động kế toán, kiểm toán độc lập quy định:

Phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 30.000.000 đồng đối với một trong các hành vi sau đây:

a) Giả mạo, khai man chứng từ kế toán;

b) Thỏa thuận hoặc ép buộc người khác giả mạo, khai man chứng từ kế toán;

c) Lập chứng từ kế toán có nội dung các liên không giống nhau trong trường hợp phải lập chứng từ kế toán có nhiều liên cho một nghiệp vụ kinh tế, tài chính phát sinh;

d) Không lập chứng từ kế toán khi nghiệp vụ kinh tế, tài chính phát sinh;

đ) Lập nhiều lần chứng từ kế toán cho một nghiệp vụ kinh tế, tài chính phát sinh;

e) Hủy bỏ hoặc cố ý làm hư hỏng chứng từ kế toán.

Điểm a khoản 4 nêu trên quy định về hành vi “giả mạo, khai man chứng từ kế toán.” Hành vi ký giả chữ ký người khác và ký tên trên những chứng từ không hợp lệ sẽ được xác định là hành vi “giả mạo, khai man” do đều làm sai lệch nội dung chứng từ kế toán, gây ra những hậu quả cho hoạt động quản lý của Nhà nước đối với hoạt động kế toán.

Đồng thời, bạn cũng cần quan tâm đó là thời hiệu xử lý hành vi vi phạm. Theo quy định tại Khoản 1 Điều 3 Nghị định 105/2013/NĐ-CP thì thời hiệu xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực kế toán là 2 năm. Thời điểm tính thời hiệu xử phạt vi pham hành chính được tính theo quy định tại Khoản 3 Điều 3 Nghị định 105/2013/NĐ-CP như sau:

“a) Đối với hành vi vi phạm hành chính đã kết thúc thì thời hiệu được tính từ thời điểm chấm dứt hành vi vi phạm.

b) Đối với hành vi vi phạm hành chính đang được thực hiện thì thời hiệu được tính từ thời điểm phát hiện hành vi vi phạm.”

Như vậy, căn cứ vào quy định trên và những thông tin cụ thể trong vụ việc thực tế mà bạn có thể xác định hành vi nói trên có bị xử phạt vi phạm hành chính hay không. Nếu đủ điều kiện để bị xử lý hành chính, ngoài hình phạt tiền từ 20 đến 30 triệu đồng, người thực hiện hành vi còn có thể bị áp dụng các biện pháp khắc phục được quy định tại Khoản 1 Điều 5 Nghị định 105/2013/NĐ-CP bao gồm:

“Các biện pháp khắc phục hậu quả trong lĩnh vực kế toán bao gồm:

a) Buộc phải hủy các chứng từ kế toán đã lập trùng lặp;

b) Buộc phải khôi phục lại sổ kế toán;

c) Buộc nộp lại số lợi bất hợp pháp có được do thực hiện hành vi vi phạm hành chính”.

Thứ hai, tuy có dấu hiệu vi phạm quy định tại Điểm a Khoản 4 Điều 7 Nghị định 105/2013/NĐ-CP nhưng do thông tin bạn cung cấp không đầy đủ nên hành vi của các đối tượng giả mạo, khai man chứng từ kế toán nói trên có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự nếu thỏa mãn các cấu thành tội phạm Điều 278 Bộ luật hình sự sửa đổi 2009 quy định tội tham ô tài sản:

“1. Người nào lợi dụng chức vụ, quyền hạn chiếm đoạt tài sản mà mình có trách nhiệm quản lý có giá trị từ hai triệu đồng đến dưới năm mươi triệu đồng hoặc dưới hai triệu đồng nhưng thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ hai năm đến bảy năm:

a) Gây hậu quả nghiêm trọng;

b) Đã bị xử lý kỷ luật về hành vi này mà còn vi phạm;

c) Đã bị kết án về một trong các tội quy định tại Mục A Chương này, chưa được xoá án tích mà còn vi phạm.

2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ bảy năm đến mười lăm năm:

a) Có tổ chức;

b) Dùng thủ đoạn xảo quyệt, nguy hiểm;

c) Phạm tội nhiều lần;

d) Chiếm đoạt tài sản có giá trị từ năm mươi triệu đồng đến dưới hai trăm triệu đồng;

đ)  Gây hậu quả nghiêm trọng khác.

3. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ mười lăm năm đến hai mươi năm:

a) Chiếm đoạt tài sản có giá trị từ hai trăm triệu đồng đến dưới năm trăm triệu đồng;

b) Gây hậu quả rất nghiêm trọng khác.

4. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù hai mươi năm, tù chung thân hoặc tử hình:

a) Chiếm đoạt tài sản có giá trị từ năm trăm triệu đồng trở lên;

b) Gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng khác.

5. Người phạm tội còn bị cấm đảm nhiệm chức vụ nhất định từ một năm đến năm năm, có thể bị phạt tiền từ mười triệu đồng đến năm mươi triệu đồng, tịch thu một phần hoặc toàn bộ tài sản.”

Nếu hành vi của các đối tượng trong vụ việc của bạn thỏa mãn toàn bộ các cấu thành tội phạm trên thì tuy có hành vi vi phạm pháp luật hành chính trong quản lý hoạt động kế toán nhưng do tính chất nghiêm trọng thì các hành vi này sẽ bị xử lý theo quy định của Bộ luật hình sự hiện hành về tội danh tương ứng.

Trên đây là tư vấn của Ban biên tập Thư Ký Luật về xử phạt vi phạm đối với hành vi giả chữ ký trên chứng từ kế toán. Bạn nên tham khảo chi tiết Nghị định 105/2013/NĐ-CP để nắm rõ quy định này.

Trân trọng!

Đi đến trang Tìm kiếm nội dung Tư vấn pháp luật - Chứng từ kế toán

Thư Viện Pháp Luật

lượt xem
Thông báo
Bạn không có thông báo nào