Xóa đăng ký tàu biển Việt Nam
Xóa đăng ký tàu biển Việt Nam được hướng dẫn tại Điều 23 Bộ luật hàng hải Việt Nam 2015 (có hiệu lực từ ngày 01/07/2017), theo đó:
1. Tàu biển Việt Nam phải xóa đăng ký trong Sổ đăng ký tàu biển quốc gia Việt Nam trong trường hợp sau đây:
a) Bị phá hủy, phá dỡ hoặc chìm đắm mà không thể trục vớt được;
b) Mất tích;
c) Không còn đủ điều kiện để được mang cờ quốc tịch Việt Nam;
d) Không còn tính năng tàu biển;
đ) Theo đề nghị của chủ tàu hoặc người đứng tên đăng ký tàu biển.
2. Trong các trường hợp quy định tại điểm d và điểm đ khoản 1 Điều này, tàu biển đang thế chấp chỉ được xóa đăng ký tàu biển Việt Nam, nếu người nhận thế chấp tàu biển đó chấp thuận.
3. Khi xóa đăng ký tàu biển hoặc xóa đăng ký tàu biển đang đóng, Cơ quan đăng ký tàu biển Việt Nam thu hồi Giấy chứng nhận đăng ký tàu biển Việt Nam hoặc Giấy chứng nhận đăng ký tàu biển đang đóng và cấp Giấy chứng nhận xóa đăng ký.
Điều này được hướng dẫn bởi Chương III Nghị định 171/2016/NĐ-CP , cụ thể:
Điều 19. Quy định chung về xóa đăng ký
1. Tàu biển Việt Nam được xóa đăng ký tại Việt Nam trong các trường hợp quy định tại Điều 25 Bộ Luật hàng hải Việt Nam năm 2015.
2. Chủ tàu phải thực hiện thủ tục xóa đăng ký tàu biển trong thời hạn quy định đối với một số trường hợp sau:
a) Chậm nhất trong vòng 60 ngày kể từ khi tàu biển không còn tính năng tàu biển; bị phá hủy, phá dỡ hoặc chìm đắm mà không trục vớt được;
b) Chậm nhất trong vòng 24 tháng kể từ khi tàu biển bị mất tích;
c) Chậm nhất trong vòng 30 ngày kể từ khi chủ tàu không còn trụ sở, chi nhánh hoặc văn phòng đại diện tại Việt Nam.
3. Các quy định tại Chương này về xóa đăng ký tàu biển cũng được áp dụng đối với việc xóa đăng ký tàu biển công vụ, tàu ngầm, tàu lặn, kho chứa nổi, giàn di động.
Điều 20. Thủ tục xóa đăng ký
1. Giấy chứng nhận xóa đăng ký được cấp 01 bản chính cho chủ tàu theo Mẫu số 10 quy định tại Phụ lục ban hành kèm theo Nghị định này.
2. Hồ sơ xóa đăng ký, bao gồm:
a) Tờ khai xóa đăng ký theo Mẫu số 03 quy định tại Phụ lục ban hành kèm theo Nghị định này;
b) Giấy chứng nhận đăng ký (bản chính); trường hợp giấy chứng nhận đăng ký bị mất, chủ tàu phải khai báo và nêu rõ lý do;
c) Trường hợp tàu biển đang được thế chấp thì phải được sự chấp thuận bằng văn bản của người nhận thế chấp và phải thực hiện thủ tục xóa đăng ký thế chấp trước khi tiến hành thủ tục xóa đăng ký tàu biển.
3. Tổ chức, cá nhân nộp trực tiếp 01 bộ hồ sơ hoặc gửi qua hệ thống bưu chính đến cơ quan đăng ký tàu biển nơi tàu biển đã được đăng ký trước đây hoặc bằng các hình thức phù hợp khác.
4. Cơ quan đăng ký tàu biển tiếp nhận hồ sơ, thực hiện theo quy trình sau:
a) Trường hợp nộp hồ sơ trực tiếp, nếu hồ sơ chưa hợp lệ thì hướng dẫn tổ chức, cá nhân hoàn thiện hồ sơ; nếu hồ sơ hợp lệ thì vào sổ theo dõi, cấp giấy biên nhận hồ sơ và hẹn trả kết quả đúng thời gian quy định;
b) Trường hợp nhận hồ sơ qua đường bưu chính, nếu hồ sơ không hợp lệ, chậm nhất 02 ngày làm việc, kể từ ngày nhận hồ sơ, cơ quan đăng ký tàu biển hướng dẫn hoàn thiện hồ sơ theo quy định tại Nghị định này;
c) Chậm nhất 02 ngày làm việc, kể từ ngày nhận đủ hồ sơ hợp lệ, cơ quan đăng ký tàu biển cấp Giấy chứng nhận xóa đăng ký và trả trực tiếp hoặc gửi qua hệ thống bưu chính; trường hợp không cấp giấy chứng nhận phải trả lời bằng văn bản nêu rõ lý do.
5. Chủ tàu nộp lệ phí xóa đăng ký theo quy định của Bộ Tài chính, nộp trực tiếp hoặc chuyển vào tài khoản của cơ quan đăng ký tàu biển trước khi nhận kết quả; chịu toàn bộ chi phí gửi hồ sơ, văn bản và các chi phí liên quan đến chuyển khoản.
Trên đây là trả lời của Ban biên tập Thư Ký Luật về Xóa đăng ký tàu biển Việt Nam, được quy định tại Bộ luật hàng hải Việt Nam 2015. Bạn vui lòng tham khảo văn bản này để có thể hiểu rõ hơn.
Trân trọng!
Thư Viện Pháp Luật