Thời hạn báo cáo trong hoạt động phòng, chống rửa tiền được quy định thế nào?
Thời hạn báo cáo trong hoạt động phòng, chống rửa tiền được quy định tại Điều 16 Nghị định 116/2013/NĐ-CP hướng dẫn Luật phòng, chống rửa tiền như sau:
1. Thời hạn báo cáo được tính như sau:
a) Báo cáo hàng ngày đối với hình thức báo cáo gửi tệp dữ liệu điện tử được tính theo ngày phát sinh giao dịch;
b) Thời hạn báo cáo theo hình thức báo cáo bằng văn bản hoặc các hình thức khác, bao gồm cả báo cáo giao dịch đáng ngờ, được tính từ ngày phát sinh giao dịch đến ngày in trên bì báo cáo do tổ chức phát chuyển thư tín đóng đấu hoặc ngày Ngân hàng Nhà nước Việt Nam nhận được báo cáo trực tiếp từ đối tượng báo cáo.
2. Đối tượng báo cáo có thể lựa chọn hình thức báo cáo giao dịch có giá trị lớn và giao dịch chuyển tiền điện tử theo 1 trong 2 hình thức được quy định tại Điểm a hoặc Điểm b, Khoản 1, Điều 26 Luật phòng, chống rửa tiền.
3. Đối tượng báo cáo lựa chọn hình thức báo cáo ngoài tệp dữ liệu điện tử có trách nhiệm đăng ký hình thức này với Ngân hàng Nhà nước Việt Nam. Việc thay đổi hình thức báo cáo giao dịch giá trị lớn và giao dịch chuyển tiền điện tử phải được thông báo cho Ngân hàng Nhà nước Việt Nam. Thời điểm thông báo được tính theo ngày trên bì báo cáo do tổ chức phát chuyển thư tín đóng dấu thông báo hoặc tính theo ngày Ngân hàng Nhà nước Việt Nam nhận được thông báo trực tiếp. Thời hạn gửi báo cáo theo quy định được tính bắt đầu từ ngày tiếp ngay sau ngày thông báo.
4. Thời hạn gửi báo cáo giao dịch đáng ngờ theo quy định tại Khoản 2 Điều 26 Luật phòng, chống rửa tiền được tính từ thời điểm phát sinh giao dịch. Trường hợp đối tượng báo cáo phát hiện dấu hiệu đáng ngờ của giao dịch nhưng giao dịch đã được thực hiện trước thời hạn phải báo cáo theo quy định thì vẫn phải gửi báo cáo giao dịch đáng ngờ ngay trong ngày phát hiện dấu hiệu đáng ngờ đó. Ngày phát hiện dấu hiệu đáng ngờ được tính là ngày đối tượng báo cáo chủ động phát hiện hoặc buộc phải phát hiện được dấu hiệu đáng ngờ xét theo hoàn cảnh thực tế khách quan diễn ra giao dịch đáng ngờ.
5. Báo cáo giao dịch có dấu hiệu liên quan đến tội phạm phải đồng thời gửi cho Ngân hàng Nhà nước Việt Nam và cơ quan nhà nước có thẩm quyền. Cơ quan nhà nước có thẩm quyền là Cơ quan Công an hoặc Viện kiểm sát nhân dân cấp quận, huyện trở lên nơi giao dịch có dấu hiệu liên quan đến tội phạm được phát hiện.
6. Tội phạm được đề cập trong Điều này là tội phạm bị kết án theo phán quyết của Tòa án nhân dân các cấp. Bộ Công an có trách nhiệm phối hợp Viện kiểm sát nhân dân tối cao và Tòa án nhân dân tối cao tổng hợp, cung cấp và cập nhật định kỳ 6 tháng (trong vòng 10 ngày cuối tháng 6 và tháng 12 hàng năm) danh sách tội phạm đang thi hành án vào thời điểm cung cấp cho Ngân hàng Nhà nước Việt Nam để cảnh báo tới các đối tượng báo cáo theo Luật phòng, chống rửa tiền. Ngân hàng Nhà nước Việt Nam có trách nhiệm tiếp nhận danh sách tội phạm, thiết kế phương án thông báo và cập nhật danh sách này; đồng thời hướng dẫn chi tiết truy cập danh sách cho các đối tượng báo cáo.
7. Thời hạn gửi báo cáo giao dịch có dấu hiệu liên quan đến tội phạm được tính theo ngày làm việc khi đối tượng báo cáo phát hiện hoặc buộc phải phát hiện được dấu hiệu liên quan đến tội phạm xét theo hoàn cảnh thực tế khách quan diễn ra giao dịch đó.
Trên đây là nội dung tư vấn của Ban biên tập Thư Ký Luật về thời hạn báo cáo trong hoạt động phòng, chống rửa tiền. Để hiểu rõ chi tiết hơn về điều này bạn nên tham khảo thêm tại Nghị định 116/2013/NĐ-CP.
Trân trọng!