Tính minh bạch của pháp nhân và thỏa thuận ủy quyền trong phòng, chống rửa tiền được bảo đảm thế nào?
Bảo đảm tính minh bạch của pháp nhân và thỏa thuận ủy quyền trong phòng, chống rửa tiền được quy định tại Điều 11 Nghị định 116/2013/NĐ-CP hướng dẫn Luật phòng, chống rửa tiền như sau:
1. Sở giao dịch chứng khoán theo quy định tại Khoản 1 Điều 18 Luật phòng, chống rửa tiền có trách nhiệm lưu giữ và cập nhật thông tin sau đây về doanh nghiệp niêm yết:
a) Thông tin cơ bản về doanh nghiệp niêm yết: Tên giao dịch đầy đủ và viết tắt, địa chỉ đặt trụ sở chính, mã số thuế, số điện thoại, số fax, lĩnh vực hoạt động kinh doanh;
b) Vốn điều lệ;
c) Danh sách người sáng lập, cổ đông lớn;
d) Người đại diện theo pháp luật;
đ) Chủ sở hữu hưởng lợi;
e) Thông tin khác.
2. Cơ quan đăng ký kinh doanh theo quy định tại Khoản 2 Điều 18 Luật phòng, chống rửa tiền là Sở Kế hoạch và Đầu tư các tỉnh, thành phố có trách nhiệm thu thập và lưu giữ các thông tin sau đây về các doanh nghiệp được thành lập và hoạt động trên địa bàn tỉnh, thành phố:
a) Thông tin cơ bản về doanh nghiệp: Tên giao dịch đầy đủ và viết tắt, địa chỉ đặt trụ sở chính, mã số thuế, số điện thoại, số fax, lĩnh vực hoạt động kinh doanh;
b) Vốn pháp định, vốn điều lệ, vốn đăng ký;
c) Danh sách người sáng lập, cổ đông lớn;
d) Người đại diện theo pháp luật;
đ) Chủ sở hữu hưởng lợi;
e) Thông tin khác.
3. Tổ chức, cá nhân theo quy định tại Khoản 3 Điều 18 Luật phòng, chống rửa tiền phải lưu giữ, cập nhật các thông tin sau đây về khách hàng:
a) Thông tin về người ủy quyền, người được ủy quyền: Phải bao gồm các thông tin quy định tại Khoản 1, 2, 3 Điều 4 Nghị định này;
b) Nội dung ủy quyền;
c) Thông tin về chủ sở hữu hưởng lợi theo quy định tại Khoản 2 Điều 5 Nghị định này.
Trên đây là nội dung tư vấn của Ban biên tập Thư Ký Luật về bảo đảm tính minh bạch của pháp nhân và thỏa thuận ủy quyền trong phòng, chống rửa tiền. Để hiểu rõ chi tiết hơn về điều này bạn nên tham khảo thêm tại Nghị định 116/2013/NĐ-CP.
Trân trọng!