Trách nhiệm của các Bộ, ngành có liên quan trong việc thực hiện Công ước cấm vũ khí hóa học được quy định như thế nào?
Theo quy định hiện hành tại Khoản 3 Điều 10 Nghị định 38/2014/NĐ-CP thì trách nhiệm của các Bộ, ngành có liên quan trong việc thực hiện Công ước cấm vũ khí hóa học được quy định như sau:
a) Bộ Tài chính theo định kỳ 06 tháng và hàng năm chịu trách nhiệm thống kê, tổng hợp số liệu nhập khẩu, xuất khẩu hóa chất Bảng chuyển Bộ Công Thương xử lý để thực hiện khai báo quốc gia với Tổ chức Cấm vũ khí hóa học;
b) Bộ Quốc phòng, Bộ Công an thực hiện việc thanh tra, kiểm tra các hoạt động liên quan đến Công ước Cấm vũ khí hóa học trong các đơn vị thuộc lực lượng vũ trang; phối hợp với Bộ Công Thương trong việc tổ chức thực hiện Công ước Cấm vũ khí hóa học;
c) Bộ Y tế quản lý việc sử dụng hóa chất Bảng 1 tại các cơ sở nghiên cứu y tế hoặc dược phẩm, có trách nhiệm tổng hợp tình hình quản lý sử dụng hóa chất Bảng 1 gửi Bộ Công Thương để thực hiện khai báo quốc gia với Tổ chức Cấm vũ khí hóa học;
d) Bộ Ngoại giao phối hợp với Bộ Công Thương, Bộ Công an trong việc thực hiện các cam kết của Việt Nam về thực hiện Công ước Cấm vũ khí hóa học và hợp tác quốc tế theo quy định của Công ước; có trách nhiệm cấp thị thực nhập cảnh nhiều lần hoặc thẻ tạm trú có thời hạn đến 02 năm cho thanh sát viên và trợ lý thanh sát của Tổ chức Cấm vũ khí hóa học, đồng thời thông báo cho Tổ chức Cấm vũ khí hóa học danh sách các thanh sát viên và trợ lý thanh sát mà Việt Nam đã cấp thị thực.
Trách nhiệm của các Bộ, ngành có liên quan trong việc thực hiện Công ước cấm vũ khí hóa học được quy định tại Nghị định 38/2014/NĐ-CP về quản lý hóa chất thuộc diện kiểm soát của công ước cấm phát triển, sản xuất, tàng trữ, sử dụng và phá hủy vũ khí hóa học.
Trân trọng!
Thư Viện Pháp Luật