Bị lừa lấy tài khoản thẻ tín dụng cần phải xử lý như thế nào?
Tại Điều 101 Bộ luật tố tụng hình sự 2003 quy định về tố giác và tin báo về tội phạm như sau:
Công dân có thể tố giác tội phạm với Cơ quan điều tra, Viện kiểm sát, Tòa án hoặc với các cơ quan khác, tổ chức. Nếu tố giác bằng miệng thì cơ quan, tổ chức tiếp nhận phải lập biên bản và có chữ ký của người tố giác.
Cơ quan, tổ chức khi phát hiện hoặc nhận được tố giác của công dân phải báo tin ngay về tội phạm cho Cơ quan điều tra bằng văn bản”.
Như vậy, nếu trường hợp của bạn bị lừa mất số tài khoản thẻ tín dụng, họ tên ngày, tháng sinh và số chứng minh nhân dân thì bạn có thể báo ngân hàng khóa tài khoản thẻ của bạn lại, đồng thời nếu như người kia có hành vi phạm tội thì bạn có thể tố giác người này tới Cơ quan Công an.
Tại Điều 16 Thông tư 23/2014/TT-NHNN quy định về tạm khóa tài khoản thanh toán như sau:
1. Tổ chức cung ứng dịch vụ thanh toán thực hiện tạm khóa tài khoản thanh toán của khách hàng (tạm dừng giao dịch) một phần hoặc toàn bộ số tiền trên tài khoản thanh toán khi có văn bản yêu cầu của chủ tài khoản (hoặc người đại diện hợp pháp của chủ tài khoản) hoặc theo thỏa thuận trước bằng văn bản giữa chủ tài khoản với tổ chức cung ứng dịch vụ thanh toán, trừ trường hợp quy định tại điểm c khoản 1 Điều 6 Thông tư này.
2. Việc chấm dứt tạm khóa tài khoản thanh toán và việc xử lý các lệnh thanh toán đi, đến trong thời gian tạm khóa thực hiện theo yêu cầu của chủ tài khoản thanh toán (hoặc người giám hộ, người đại diện hợp pháp của chủ tài khoản) hoặc theo văn bản thỏa thuận giữa chủ tài khoản với tổ chức cung ứng dịch vụ thanh toán.
Trên đây là tư vấn của Ban biên tập Thư Ký Luật về xử lý khi bị lừa lấy tài khoản thẻ tín dụng. Bạn nên tham khảo chi tiết Bộ luật tố tụng hình sự 2003 để nắm rõ quy định này.
Trân trọng!
Thư Viện Pháp Luật