Các trường hợp tổ chức tài chính phải áp dụng các biện pháp nhận biết khách hàng liên quan đến phòng, chống rửa tiền là gì?
Tổ chức tài chính phải áp dụng các biện pháp nhận biết khách hàng liên quan đến phòng, chống rửa tiền trong các trường hợp được quy định tại Khoản 1 Điều 3 Nghị định 116/2013/NĐ-CP hướng dẫn Luật phòng, chống rửa tiền như sau:
a) Khi khách hàng lần đầu mở tài khoản, bao gồm tài khoản thanh toán, tài khoản tiết kiệm, tài khoản thẻ và các loại tài khoản khác;
b) Khi khách hàng lần đầu thiết lập mối quan hệ với tổ chức tài chính nhằm sử dụng sản phẩm, dịch vụ do tổ chức tài chính cung cấp;
c) Khi khách hàng thực hiện giao dịch không thường xuyên có giá trị lớn. Giao dịch không thường xuyên có giá trị lớn là giao dịch của khách hàng không có tài khoản hoặc có tài khoản thanh toán nhưng không giao dịch trong vòng 6 tháng trở lên với tổng giá trị từ 300.000.000 (ba trăm triệu) đồng trở lên trong một ngày;
d) Khi thực hiện chuyển tiền điện tử nhưng thiếu thông tin về tên, địa chỉ hoặc số tài khoản của người khởi tạo;
đ) Khi nghi ngờ giao dịch hoặc các bên liên quan đến giao dịch có liên quan đến hoạt động rửa tiền;
e) Khi nghi ngờ về tính chính xác hoặc tính đầy đủ của các thông tin nhận biết khách hàng đã thu thập trước đó.
Trên đây là nội dung tư vấn của Ban biên tập Thư Ký Luật về các trường hợp tổ chức tài chính phải áp dụng các biện pháp nhận biết khách hàng liên quan đến phòng, chống rửa tiền. Để hiểu rõ chi tiết hơn về điều này bạn nên tham khảo thêm tại Nghị định 116/2013/NĐ-CP.
Trân trọng!