Không có khả năng thanh toán nợ có phải chịu trách nhiệm hình sự?

Không có khả năng thanh toán nợ có phải chịu trách nhiệm hình sự? Cho tôi hỏi: Tôi có quá hạn hợp đồng trả góp xe nouvo LX của công ty HD sài gòn, hiện nay hợp đồng mua bán của tôi được ủy quyền lại cho bên công ty X và gửi về cho tôi giấy báo nợ, gốc và lãi + phạt theo hợp đồng số tiền 27.977.829 triệu đồng, tôi không có khả năng chi trả, vậy nếu bị kiện, tôi có bị phạm luật hình sự không? Mong nhận được tư vấn của Ban biên tập Thư Ký Luật. Chân thành cảm ơn!

Nghĩa vụ thanh toán khi mua tài sản được quy định theo Điều 440 Bộ luật dân sự 2015 là sự thỏa thuận giữa các bên, theo đó bên bán giao tài sản cho bên mua; khi đến hạn trả, bên mua phải hoàn trả cho bên bán theo đúng nội dung các bên đã giao kết.

1. Bên mua có nghĩa vụ thanh toán tiền theo thời hạn, địa điểm và mức tiền được quy định trong hợp đồng.

2. Trường hợp các bên chỉ có thỏa thuận về thời hạn giao tài sản thì thời hạn thanh toán tiền cũng được xác định tương ứng với thời hạn giao tài sản. Nếu các bên không có thỏa thuận về thời hạn giao tài sản và thời hạn thanh toán tiền thì bên mua phải thanh toán tiền tại thời điểm nhận tài sản.

3. Trường hợp bên mua không thực hiện đúng nghĩa vụ trả tiền thì phải trả lãi trên số tiền chậm trả theo quy định tại Điều 357 của Bộ luật này.

Ngoài ra, đối với mua bán trả chậm, trả dần thì các bên còn phải thực hiện theo đúng các nội dung theo Điều 453 Bộ luật dân sự 2015 sau:

1. Các bên có thể thỏa thuận về việc bên mua trả chậm hoặc trả dần tiền mua trong một thời hạn sau khi nhận tài sản mua. Bên bán được bảo lưu quyền sở hữu đối với tài sản bán cho đến khi bên mua trả đủ tiền, trừ trường hợp có thỏa thuận khác.

2. Hợp đồng mua trả chậm hoặc trả dần phải được lập thành văn bản. Bên mua có quyền sử dụng tài sản mua trả chậm, trả dần và phải chịu rủi ro trong thời gian sử dụng, trừ trường hợp có thỏa thuận khác.

Nếu bên bạn không thực hiện nghĩa vụ bên bán có quyền khởi kiện ra Tòa án theo thủ tục quy định tại Bộ luật tố tụng dân sự 2015 để đòi lại số tiền còn lại nói trên. Nếu bạn không tự nguyện trả thì Tòa án sẽ thực hiện cưỡng chế tài sản, định giá tài sản để xác định nghĩa vụ trả nợ cho bên cho vay.

Trong trường hợp không trả được nợ mà bạn có hành vi bỏ trốn hoặc dùng thủ đoạn gian dối nhằm chiếm đoạt tài sản thì bạn sẽ bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo Khoản 1 Điều 140 Bộ luật hình sự 1999:

Người nào có một trong những hành vi sau đây chiếm đoạt tài sản của người khác có giá trị từ bốn triệu đồng đến dưới năm mươi triệu đồng hoặc dưới bốn triệu đồng nhưng gây hậu quả nghiêm trọng hoặc đã bị xử phạt hành chính về hành vi chiếm đoạt, chưa được xoá án tích mà còn vi phạm, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến ba năm hoặc phạt tù từ ba tháng đến ba năm:

a) Vay, mượn, thuê tài sản của người khác hoặc nhận được tài sản của người khác bằng các hình thức hợp đồng rồi dùng thủ đoạn gian  dối hoặc bỏ trốn để chiếm đoạt tài sản đó;

  b) Vay, mượn, thuê tài sản của người khác hoặc nhận được tài sản của người khác bằng các hình thức hợp đồng và đã sử dụng tài sản đó  vào mục đích bất hợp pháp dẫn đến không có khả năng trả lại tài sản.

Nếu bạn không có một trong các hành vi nêu trên thì bạn không phạm tội theo Bộ luật hình sự 1999. 

Trên đây là tư vấn của Ban biên tập Thư Ký Luật về việc chịu trách nhiệm hình sự về việc không có khả năng thanh toán nợ. Bạn nên tham khảo chi tiết Bộ luật dân sự 2015 để nắm rõ quy định này.

Trân trọng!

Đi đến trang Tìm kiếm nội dung Tư vấn pháp luật - Trách nhiệm hình sự

Thư Viện Pháp Luật

lượt xem
Thông báo
Bạn không có thông báo nào