Quy định tình tiết tăng nặng trách nhiệm hình sự trong trường hợp người phạm tội tái phạm nguy hiểm
Tái phạm nguy hiểm là trường hợp đã bị kết án về tội rất nghiêm trọng, đặc biệt nghiêm trọng, do cố ý, chưa được xóa án tích mà lại phạm tội rất nghiêm trọng, tội đặc biệt nghiêm trọng do cố ý; hoặc tái phạm, chưa được xóa án tích mà lại phạm tội do cố ý (điểm a và điểm b khoản 2 Điều 49 Bộ luật hình sự)
Tái phạm nguy hiểm theo Bộ luật hình sự có đặc điểm sau:
- Đã hai lần phạm tội đều là tội rất nghiêm trọng hoặc tội đặc biệt nghiêm trọng, hoặc một trong hai lần đó là tội rất nghiêm trọng hoặc đặc biệt nghiêm trọng do cố ý, trong đó có một lần đã bị kết án.
- Đã tái phạm, chưa được xóa án tích mà lại phạm tội do cố ý, không phân biệt tội đó là tội ít nghiêm trọng, tội nghiêm trọng, tội rất nghiêm trọng hay tội đặc biệt nghiêm trọng.
- Bộ luật hình sự năm 1985 và Bộ luật hình sự năm 1999 đều không quy định “đã tái phạm nguy hiểm, chưa được xóa án tích mà lại phạm tội mới” thì có bị coi là tái phạm nguy hiểm hay không? Đây cũng là vấn đề về lý luận cũng như thực tiễn xét xử còn nhiều ý kiến trái ngược nhau. Có ý kiến cho rằng, Bộ luật hình sựkhông quy định thì không được áp dụng vì nếu áp dụng là làm xấu đi tình trạng của người phạm tội. Nhưng cũng có ý kiến cho rằng, một người đã tái phạm, chưa được xóa án tích mà lại phạm tội mới còn bị coi là tái phạm nguy hiểm huống hồ người đã tái phạm nguy hiểm, chưa được xóa án tích mà lại phạm tội mới thì lại càng phải coi họ là tái phạm nguy hiểm. Chúng tôi cho rằng, chỉ coi là tái phạm nguy hiểm đối với trường hợp mà Bộ luật hình sự quy định “đã tái phạm …”, tức là đã tái phạm nguy hiểm, chưa được xóa án tích mà còn phạm tội do cố ý thì mới bị coi là tái phạm nguy hiểm, còn nếu phạm tội do vô ý dù tội đó là tội rất nghiêm trọng, tội đặc biệt nghiêm trọng thì cũng không coi là tái phạm nguy hiểm.
Ví dụ: A đã bị án về tội tham ô và trong bản án đó, Tòa án đã xác định A phạm tội thuộc trường hợp tái phạm nguy hiểm. Sau khi chấp hành xong hình phạt tù về tội tham ô, chưa được xóa án tích, thì A lại phạm tội “ vi phạm quy định về điều khiển phương tiện giao thông đường bộ” thuộc trường hợp quy định tại khoản 3 Điều 202 Bộ luật hình sự (là tội rất nghiêm trọng do vô ý), thì khi xét xử A về tội này không được coi trường hợp phạm tội của A là tái phạm nguy hiểm. Mức độ tăng nậng trách nhiệm hình sự của tình tiết này phụ thuộc vào tính chất tái phạm và tính chất, mức độ nguy hiểm của tội phạm mà bị cáo thực hiện. Nếu đã tái phạm nguy hiểm nay lại tái phạm nguy hiểm nữa thì mức tăng nặng nhiều hơn.
Thư Viện Pháp Luật