Thủ tục cấp đổi chứng minh thư nhân dân theo quy định hiện hành
Điều 5 Nghị định 05/1999/NĐ-CP quy định Đổi, cấp lại Chứng minh nhân dân như sau:
"1- Những trường hợp sau đây phải làm thủ tục đổi Chứng minh nhân dân:
a) Chứng minh nhân dân hết thời hạn sử dụng;
b) Chứng minh nhân dân hư hỏng không sử dụng được;
c) Thay đổi họ, tên, chữ đệm, ngày, tháng, năm sinh;
d) Thay đổi nơi đăng ký hộ khẩu thường trú ngoài phạm vi tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương;
e) Thay đổi đặc điểm nhận dạng.
2- Trường hợp bị mất Chứng minh nhân dân thì phải làm thủ tục cấp lại.”
Như vậy, khi chứng minh nhân dân của mẹ bạn bị cũ, không sử dụng được thì mẹ bạn phải thực hiện thủ tục cấp đổi chứng minh nhân dân.
Thủ tục cấp đổi chứng minh nhân dân theo quy định tại Điều 6 Nghị định 05/1999/NĐ-CP như sau:
- Hồ sơ:
+ Đơn trình bày rõ lý do xin đổi chứng minh;
+ Xuất trình hộ khẩu thường trú;
+Chụp ảnh;
+ In vân tay hai ngón trỏ;
+ Khai tờ khai xin cấp Chứng minh nhân dân;
- Nơi thực hiện thủ tục hành chính: Cơ quan công an cấp huyện nơi mẹ bạn đang cư trú.
Theo như bạn trình bày, các giấy tờ như sổ hộ khẩu, giấy đăng kí kết hôn, giấy khai sinh (bản gốc đã bị mất và mới làm lại) đều ghi năm sinh mẹ bạn là 1974, trong hồ sơ lưu trong máy của cơ quan công an là 1975. Lấy lý do là hồ sơ lưu trong máy khác với các giấy tờ khác của mẹ bạn nên nay cơ quan công an trả hồ sơ không thực hiện thủ tục cấp đổi cho mẹ bạn. Rõ ràng, đã có sự sai sót trong quá trình lưu hồ sơ của cơ quan công an do đó để đảm bảo quyền lợi cho mẹ bạn, mẹ bạn xuất trình toàn bộ giấy tờ tùy thân như sổ hộ khẩu, giấy khai sinh, giấy đăng ký kết hôn,... để làm căn cứ chứng minh năm sinh của mẹ bạn là 1974. Nếu cơ quan công an vẫn không giải quyết thì mẹ bạn làm đơn khiếu nại tới cơ quan công an để yêu cầu giải quyết.
Trên đây là tư vấn của Ban biên tập Thư Ký Luật về thủ tục cấp đổi chứng minh thư nhân dân theo quy định hiện hành. Bạn nên tham khảo chi tiết Nghị định 05/1999/NĐ-CP để nắm rõ quy định này.
Trân trọng!
Thư Viện Pháp Luật