Nội dung hoạt động lễ tân trong đối ngoại biên phòng được quy định thế nào?
Nội dung hoạt động lễ tân trong đối ngoại biên phòng được quy định tại Khoản 2 Điều 6 Nghị định 89/2009/NĐ-CP về hoạt động đối ngoại biên phòng như sau:
a) Đón khách;
b) Bố trí xe đưa, đón; nơi ăn, nghỉ;
c) Trang trí nơi làm việc;
d) Vị trí ngồi làm việc, dự tiệc chiêu đãi;
đ) Trang phục khi làm việc;
e) Thủ tục ký kết văn bản;
g) Trao tặng phẩm;
h) Chụp ảnh;
i) Tham quan;
k) Tiễn khách.
- Ngoài ra, nội dung này còn được hướng dẫn bởi Điều 3 Thông tư 02/2012/TT-BQP như sau:
1. Trang trí nơi hội đàm thực hiện theo Mẫu số 07 tại Phụ lục kèm theo Thông tư này.
a) Phông, nền bố trí phù hợp với phòng tiếp đón.
b) Tiêu đề trên phông, băng rôn khẩu hiệu được thể hiện song song bằng hai thứ tiếng (Ta và Bạn).
c) Quốc kỳ nhỏ (Quốc kỳ hội đàm) đặt trên bàn, trước chỗ ngồi của Trưởng đoàn mỗi bên và cùng phía Quốc kỳ to (cỡ 1,2 m - 1,8 m) của mỗi nước treo trên phông chính, hoặc có thể dựng ở phía đầu bàn sát phông, nếu nhìn từ ngoài vào, Quốc kỳ chủ nhà bên phải, Quốc kỳ khách bên trái, chỗ ngồi của mỗi bên theo phía vị trí đặt Quốc kỳ.
d) Bố trí bàn tiếp khách có trải khăn, đặt hoa ở giữa.
đ) Trên bàn hội đàm có đặt nước suối, trái cây; nếu dùng nước trà (kể cả trà đen) phải dùng cốc bằng sứ.
2. Vị trí ngồi trong hoạt động đối ngoại thực hiện theo Mẫu số 08 tại Phụ lục kèm theo Thông tư này.
a) Cách sắp xếp vị trí ngồi: Bàn hội đàm hoặc bàn làm việc của hai đoàn được xếp theo kiểu bàn dài, bàn ô-van, bàn bầu dục hoặc bàn chữ u. Sắp xếp mỗi đoàn ngồi một phía. Trưởng đoàn của mỗi bên ngồi giữa, bên phải Trưởng đoàn là người số hai, bên phải số hai là số bốn, bên trái Trưởng đoàn là phiên dịch (phiên dịch không xếp số), bên trái phiên dịch là số ba bên trái số ba là số năm và tiếp đến xếp theo thứ tự bên phải rồi bên trái cho đến hết (theo danh sách hội đàm).
b) Trên bàn hội đàm hoặc bàn làm việc đặt biển tên theo số thứ tự đã sắp xếp để các đại biểu ngồi đúng vị trí của mình (biển tên ghi rõ cấp bậc, họ tên, chức vụ; một mặt viết bằng tiếng Việt, một mặt viết bằng tiếng nước Bạn và khi đặt biển tên mặt tiếng Việt quay về phía Ta, tiếng nước bạn quay về phía Bạn).
3. Thủ tục ký kết: Sau hội đàm, những người dự lễ ký của hai bên đứng hàng ngang phía sau người ký, theo thứ tự cấp bậc kể từ giữa ra; những người ký ngồi cùng một phía; kê bàn, trên bàn đặt hoa và Quốc kỳ nhỏ của mỗi nước, có bút ký, giấy thử bút. Sau lễ ký có chúc rượu, có thể quay phim, chụp ảnh.
4. Vị trí ngồi chiêu đãi: Sắp xếp chỗ ngồi phải tương xứng với cương vị của khách. Chỗ ngồi có biển tên; việc xếp chỗ ngồi tùy thuộc hình dáng bàn tiệc, tuy nhiên cần tuân thủ các nguyên tắc sau đây:
a) Theo cấp bậc của đại biểu;
b) Nếu hai đại biểu cùng cấp thì ưu tiên người nhiều tuổi hơn và nữ rồi đến nam;
c) Bố trí xen kẽ đại biểu hai đoàn.
5. Về trang phục: Khi hội đàm mặc tiểu lễ phục theo mùa; khi tham quan, chiêu đãi mặc thường phục (thể hiện lịch sự). Nếu tham gia các đoàn của địa phương hoặc các Bộ, ngành thì mặc theo quyết định của Trưởng đoàn.
6. Thủ tục ký văn bản.
a) Trưởng đoàn hoặc người được ủy quyền ký văn bản của mỗi bên ngồi theo vị trí đã sắp xếp, Ta bên phải, Bạn bên trái; mỗi bên có một người trình ký, các thành viên đứng sau Trưởng đoàn bên mình.
b) Sau khi ký hai bên trao văn bản cho nhau;
c) Chụp ảnh lưu niệm;
d) Trao tặng phẩm: Sau khi ký kết văn bản hoặc sau khi chiêu đãi.
7. Tiễn đoàn Bạn: Trưởng đoàn Ta phát biểu và tiễn Bạn, thành phần tiễn Bạn và mặc trang phục như khi đón Đoàn.
8. Trường hợp có mời Bạn đi tham quan phải có kế hoạch được cấp có thẩm quyền phê duyệt và phải đảm bảo an toàn trong quá trình tham quan.
9. Việc bố trí xe đưa, đón, bố trí nơi ăn, nghỉ cho đoàn Bạn thực hiện theo quy định của pháp luật về công tác lễ tân.
Trên đây là nội dung tư vấn của Ban biên tập Thư Ký Luật về nội dung hoạt động lễ tân trong đối ngoại biên phòng. Để hiểu rõ chi tiết hơn về điều này bạn nên tham khảo thêm tại Nghị định 89/2009/NĐ-CP.
Trân trọng!