Giết người tại Lào, bắt tại Việt Nam, xử theo luật nước nào?
Đối với vướng mắc của bạn chúng tôi xin đưa ra một số ý kiến tư vấn như sau:
Theo quy định tại Khoản 1 Điều 6 Bộ luật Hình sự 1999 được sửa đổi bổ sung năm 2009 thì:
“Công dân Việt Nam phạm tội ở ngoài lãnh thổ nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự tại Việt Nam theo Bộ luật này.
Quy định này cũng được áp dụng đối với người không quốc tịch thường trú ở nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam”.
Như vậy nếu công dân Việt Nam thực hiện hành vi phạm tội bên Lào nhưng khi về Việt Nam mới bị phát hiện thì có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự tại Việt Nam theo quy định của Bộ luật hình sự Việt Nam
Tuy nhiên công dân Việt Nam thực hiện hành vi vi phạm pháp luật trên lãnh thổ của Lào khi về Việt Nam mới bị phát hiện thì vẫn có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo quy định của pháp luật hình sự Lào
Vấn đề này bạn có thể tham khảo thêm tại Hiệp định tương trợ tư pháp về dân sự và hình sự giữa Nước Cộng Hoà Xã Hội Chủ Nghĩa Việt Nam và Nước Cộng Hoà Dân Chủ Nhân Dân Lào
Điều 54: Nghĩa vụ truy cứu trách nhiệm hình sự
1. Nước ký kết này có nghĩa vụ thực hiện yêu cầu của Nước ký kết kia về việc truy cứu trách nhiệm hình sự đối với công dân của mình đã có hành vi phạm pháp trên lãnh thổ của Nước ký kết yêu cầu, phù hợp với pháp luật của nước mình.
Khi có yêu cầu của Nước ký kết, Nước ký kết được yêu cầu có nghĩa vụ áp dụng các biện pháp cần thiết để tiếp tục truy cứu trách nhiệm hình sự đối với công dân của Nước ký kết yêu cầu đã phạm pháp và có mặt trên lãnh thổ của Nước ký kết được yêu cầu.
2. Văn bản yêu cầu truy cứu trách nhiệm hình sự của người bị hại được gửi đến cơ quan có thẩm quyền theo thể thức đã được quy định trong pháp luật của Nước ký kết này sẽ có giá trị pháp luật trên lãnh thổ của Nước ký kết kia.
3. Người bị hại trong vụ án hình sự có quyền chống án hình sự tại các Toà án của Nước ký kết như công dân của Nước ký kết có Toà án tiến hành xét xử hình sự.
Điều 55: Thể thức uỷ thác việc truy cứu trách nhiệm hình sự
1. Văn bản uỷ thác truy cứu trách nhiệm hình sự phải có các nội dung như sau:
A/ Tên của cơ quan yêu cầu;
B/ Nêu rõ về hành vi phạm pháp dẫn đến uỷ thác truy cứu trách nhiệm hình sự;
C/ Nói rõ chính xác ngày tháng, nơi xảy ra hành vi phạm pháp;
D/ Điều Luật hình sự của Nước ký kết yêu cầu cần được áp dụng và các quy định khác của pháp luật có ý nghĩa quan trong đối với việc xét xử vụ án;
E/ Họ và tên, quốc tịch, nơi cư trú của người đã phạm tội và các thông tin khác về nhân thân của người nói trên;
F/ Khiếu nại của người bị hại, nếu vụ án đó được khởi tố theo yêu cầu của người bị hại và các yêu cầu khác;
G/ Khi uỷ thác truy cứu trách nhiệm hình sự, phải chuyển giao hồ sơ vụ án hình sự cùng với tài liệu về sự thiệt hại do hành vi phạm tội gây ra và các chứng cứ khác mà Nước ký kết yêu cầu đã thu thập được.
2. Nếu khi gửi uỷ thác truy cứu trách nhiệm hình sự mà bị can, bị cáo đang bị giam trên lãnh thổ của Nước ký kết yêu cầu, thì Nước ký kết yêu cầu phải dẫn độ bị can, bị cáo đó cho Nước ký kết được yêu cầu. Việc dẫn độ bị can, bị cáo được thực hiện theo quy định đã nói trong Hiệp định này.
3. Nước ký kết được yêu cầu có nghĩa vụ thông báo cho Nước ký kết yêu cầu biết kết quả cuối cùng đối với vụ án. Nếu có đề nghị của Nước ký kết yêu cầu, thì Nước ký kết yêu cầu sẽ phải gửi bản sao quyết định cuối cùng đó.
Điều 56: Hậu quả của việc truy cứu trách nhiệm hình sự
Nếu Nước ký kết này đã gửi uỷ thác truy cứu trách nhiệm hình sự theo quy định tại Điều 55 của Hiệp định này và sau khi Cơ quan tư pháp của Nước ký kết được yêu cầu đã tuyên một bản án có hiệu lực pháp luật hoặc một quyết định cuối cùng khác, thì Cơ quan tư pháp của Nước ký kết yêu cầu không được ra quyết định về vụ án hình sự đó nữa, trừ trường hợp các Nước ký kết thoả thuận khác với nhau bằng văn bản.