Thủ tục đăng ký hai quốc tịch
Theo quy định nói trên, việc đăng ký giữ quốc tịch Việt Nam được thực hiện đến hết ngày 1/7/2014. Hết thời hạn này, nếu không đăng ký giữ quốc tịch Việt Nam thì công dân đó sẽ mất quốc tịch Việt Nam. Trong trường hợp công dân đó muốn có quốc tịch Việt Nam thì phải làm thủ tục xin trở lại quốc tịch Việt Nam theo quy định của pháp luật.
Để không mất quốc tịch Việt Nam, bạn cần đến Cơ quan đại diện ngoại giao của Việt Nam tại Anh để làm thủ tục đăng ký giữ quốc tịch Việt Nam. Hồ sơ đăng ký giữ quốc tịch Việt Nam mà bạn cần chuẩn bị - tùy từng trường hợp cụ thể - sẽ bao gồm:
- Tờ khai đăng ký giữ quốc tịch Việt Nam (theo mẫu do ĐSQ cấp),
- Bản sao giấy tờ chứng minh quốc tịch Việt Nam:
+ Giấy khai sinh;
+ Giấy chứng minh nhân dân;
+ Hộ chiếu Việt Nam hết giá trị sử dụng;
+ Bản sao hoặc trích lục Quyết định cho nhập quốc tịch Việt Nam, cho trở lại quốc tịch Việt Nam; Giấy chứng nhận có quốc tịch Việt Nam; Quyết định công nhận việc nuôi con nuôi đối với trẻ em là người nước ngoài; Quyết định cho người nước ngoài nhận trẻ em Việt Nam làm con nuôi (nếu có).
- Giấy tờ cư trú tại Anh.
Nếu bạn không có đủ giấy tờ chứng minh quốc tịch Việt Nam hoặc giấy tờ chứng minh không rõ thì ngoài các thông tin trong Tờ khai đăng ký giữ quốc tịch Việt Nam bạn còn phải nộp thêm Tờ khai lý lịch (theo mẫu) và các giấy tờ khác để phục vụ việc xác minh quốc tịch (nếu có). Khi đó Đại sứ quán (Lãnh sự quán) sẽ tiến hành xác minh, nếu kết quả xác minh là bạn có quốc tịch Việt Nam thì sẽ cấp giấy xác nhận đăng ký giữ quốc tịch Việt Nam cho bạn.
Trong trường hợp bạn trở về Việt Nam sinh sống dài hạn, pháp luật về quốc tịch Việt Nam và các quy định có liên quan không có quy định buộc bạn phải từ bỏ quốc tịch nước ngoài. Vì vậy, trong thời gian sinh sống tại Việt Nam, bạn vẫn có thể có quốc tịch Anh bên cạnh quốc tịch Việt Nam, nếu pháp luật Anh không có quy định buộc bạn phải từ bỏ quốc tịch Anh .
Thư Viện Pháp Luật