Cộng dồn thời gian tham gia đóng bảo hiểm xã hội của người lao động như thế nào?

Cộng dồn thời gian tham gia đóng bảo hiểm xã hội của người lao động như thế nào? Tôi có người anh đến tháng 04/2017 là đúng tuổi hưu cho phép tôi được hỏi như sau: Anh tôi có thời gian tham gia trong quân đội từ tháng 3/1975 đến tháng 5/1981 (6năm) khi chuyển ngành anh tôi chưa nhận tiền trợ cấp một lần. Từ tháng 5/1981 đến tháng 5/1995 (14 năm) làm trong công ty nhà nước. Khi nghỉ không nhận trợ cấp một lần. Từ tháng 6/1995 đến tháng 4/1998 (3năm) nghỉ thời gian này không đóng bảo hiểm từ tháng 5/1998 đến nay (20/04/2017) làm trong công ty nhà nước tập đoàn cao su có tham gia bảo hiểm. Mong nhận được tư vấn của Ban biên tập Thư Ký Luật. Xin cho tôi hỏi: Thời gian trong quân đội của anh tôi có được cộng dồn để tính thời gian hưu không? Ba năm anh tôi không tham gia bảo hiểm có ảnh hưởng đến tính thời gian hưu của anh tôi không? Chân thành cảm ơn!

- Căn cứ Khoản 2 Điều 23 Nghị định 115/2015/NĐ-CP quy định chi tiết một số điều của Luật bảo hiểm xã hội về bảo hiểm xã hội bắt buộc, theo đó, quy định về tính thời gian công tác trước ngày 01 tháng 01 năm 1995 để hưởng bảo hiểm xã hội như sau: 

Quân nhân, công an nhân dân phục viên, xuất ngũ, thôi việc trước ngày 15 tháng 12 năm 1993, sau đó chuyển sang làm việc có tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc tại các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp thuộc các thành phần kinh tế (bao gồm cả người làm việc tại y tế xã, phường, thị trấn, giáo viên mầm non hoặc người giữ các chức danh ở xã, phường, thị trấn trước ngày 01 tháng 01 năm 1995 đã được tính là thời gian đã đóng bảo hiểm xã hội) và cá nhân có thuê mướn, sử dụng lao động mà không hưởng chế độ trợ cấp theo quy định dưới đây thì được cộng nối thời gian công tác trong quân đội, công an trước đó với thời gian công tác có đóng bảo hiểm xã hội sau này để tính hưởng bảo hiểm xã hội:

Trường hợp quân nhân, công an nhân dân phục viên, xuất ngũ, thôi việc từ ngày 15 tháng 12 năm 1993 đến ngày 31 tháng 12 năm 1994 mà chưa giải quyết trợ cấp thôi việc hoặc trợ cấp một lần, trợ cấp xuất ngũ, phục viên, bảo hiểm xã hội một lần thì thời gian tham gia quân đội, công an nhân dân được tính hưởng bảo hiểm xã hội.

Như vậy, khoảng thời gian anh bạn trong quân đội từ tháng 3/1975 đến tháng 5/1981, chưa hưởng trợ cấp một lần, trợ cấp xuất ngũ thì được cộng nối, tính hưởng bảo hiểm xã hội.

Căn cứ Điều 54 Luật bảo hiểm xã hội 2014 quy định về điều kiện hưởng lương hưu như sau:

1. Người lao động quy định tại các điểm a, b, c, d, g, h và i khoản 1 Điều 2 của Luật này, trừ trường hợp quy định tại khoản 3 Điều này, khi nghỉ việc có đủ 20 năm đóng bảo hiểm xã hội trở lên thì được hưởng lương hưu nếu thuộc một trong các trường hợp sau đây:

a) Nam đủ 60 tuổi, nữ đủ 55 tuổi;

b) Nam từ đủ 55 tuổi đến đủ 60 tuổi, nữ từ đủ 50 tuổi đến đủ 55 tuổi và có đủ 15 năm làm nghề hoặc công việc nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm hoặc đặc biệt nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm thuộc danh mục do Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, Bộ Y tế ban hành hoặc có đủ 15 năm làm việc ở nơi có phụ cấp khu vực hệ số 0,7 trở lên;

c) Người lao động từ đủ 50 tuổi đến đủ 55 tuổi và có đủ 20 năm đóng bảo hiểm xã hội trở lên mà trong đó có đủ 15 năm làm công việc khai thác than trong hầm lò;

d) Người bị nhiễm HIV/AIDS do tai nạn rủi ro nghề nghiệp.

2. Người lao động quy định tại điểm đ và điểm e khoản 1 Điều 2 của Luật này nghỉ việc có đủ 20 năm đóng bảo hiểm xã hội trở lên được hưởng lương hưu khi thuộc một trong các trường hợp sau đây:

a) Nam đủ 55 tuổi, nữ đủ 50 tuổi, trừ trường hợp Luật sĩ quan quân đội nhân dân Việt Nam, Luật công an nhân dân, Luật cơ yếu có quy định khác;

b) Nam từ đủ 50 tuổi đến đủ 55 tuổi, nữ từ đủ 45 tuổi đến đủ 50 tuổi và có đủ 15 năm làm nghề hoặc công việc nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm hoặc đặc biệt nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm thuộc danh mục do Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, Bộ Y tế ban hành hoặc có đủ 15 năm làm việc ở nơi có phụ cấp khu vực hệ số 0,7 trở lên;

c) Người bị nhiễm HIV/AIDS do tai nạn rủi ro nghề nghiệp.

3. Lao động nữ là người hoạt động chuyên trách hoặc không chuyên trách ở xã, phường, thị trấn tham gia bảo hiểm xã hội khi nghỉ việc mà có từ đủ 15 năm đến dưới 20 năm đóng bảo hiểm xã hội và đủ 55 tuổi thì được hưởng lương hưu.

4. Chính phủ quy định điều kiện về tuổi hưởng lương hưu đối với một số trường hợp đặc biệt; điều kiện hưởng lương hưu của các đối tượng quy định tại điểm c và điểm d khoản 1, điểm c khoản 2 Điều này.

Như vậy, việc anh bạn không đóng bảo hiểm trong ba năm không làm ảnh hưởng đến việc tính hưởng lương hưu. Mà điều kiện hưởng lương hưu theo quy định của Luật bảo hiểm xã hội 2014 là đối với nam phải đủ 55 tuổi (nếu hoạt động trong quân đội), 60 tuổi (lao động khác) và đủ 20 năm đóng bảo hiểm xã hội.

Trên đây là tư vấn của Ban biên tập Thư Ký Luật về việc cộng dồn thời gian tham gia đóng bảo hiểm xã hội của người lao động. Bạn nên tham khảo chi tiết Luật bảo hiểm xã hội 2014 để nắm rõ quy định này.

Trân trọng!

Đi đến trang Tìm kiếm nội dung Tư vấn pháp luật - Bảo hiểm xã hội

Thư Viện Pháp Luật

lượt xem
Thông báo
Bạn không có thông báo nào