Mức hưởng chế độ ốm đau khi điều trị bệnh dài ngày

Mức hưởng chế độ ốm đau khi điều trị bệnh dài ngày. Công ty tôi có lao động A bị ốm đau dài ngày, tham gia bảo hiểm xã hội được 14 năm. Bị ốm đau từ 1/3/2015 đến 16/12/2016. Năm 2015 tỷ lệ 180 ngày đầu là 75%, 180 ngày sau là 50%. Vậy khi chuyển sang năm 2016 có tính lại cho người lao động (75 % cho 180 ngày đầu, 50% cho 180 ngày sau hay chỉ tính 50%). Mong nhận được tư vấn của Ban biên tập Thư Ký Luật. Chân thành cảm ơn!

Theo như bạn trình bày, công ty bạn có người lao động bị ốm đau dài ngày, thời gian ốm đau từ 1/3/2015 đến 16/12/2016 ra viện. Theo quy định, thời điểm tính hưởng chế độ ốm đau là sau khi ra viện, như vậy, sẽ áp dụng quy định Luật bảo hiểm xã hội 2014, khi tính hưởng chế độ ốm đau, không chia theo từng năm mà tính trên toàn bộ thời gian chữa trị.

Căn cứ Điều 26 Luật Bảo hiểm xã hội 2014 quy định Thời gian hưởng chế độ ốm đau như sau:

2. Người lao động nghỉ việc do mắc bệnh thuộc Danh mục bệnh cần chữa trị dài ngày do Bộ Y tế ban hành thì được hưởng chế độ ốm đau như sau:

a) Tối đa 180 ngày tính cả ngày nghỉ lễ, nghỉ Tết, ngày nghỉ hằng tuần;

b) Hết thời hạn hưởng chế độ ốm đau quy định tại điểm a khoản này mà vẫn tiếp tục điều trị thì được hưởng tiếp chế độ ốm đau với mức thấp hơn nhưng thời gian hưởng tối đa bằng thời gian đã đóng bảo hiểm xã hội.

3. Thời gian hưởng chế độ ốm đau đối với người lao động quy định tại điểm đ khoản 1 Điều 2 của Luật này căn cứ vào thời gian điều trị tại cơ sở khám bệnh, chữa bệnh có thẩm quyền.

Mức hưởng chế độ ốm đau đối với trường hợp điều trị bệnh dài ngày theo quy định tại Điều 28 Luật Bảo hiểm xã hội 2014 như sau:

"1. Người lao động hưởng chế độ ốm đau theo quy định tại khoản 1 và điểm a khoản 2 Điều 26, Điều 27 của Luật này thì mức hưởng tính theo tháng bằng 75% mức tiền lương đóng bảo hiểm xã hội của tháng liền kề trước khi nghỉ việc.

Trường hợp người lao động mới bắt đầu làm việc hoặc người lao động trước đó đã có thời gian đóng bảo hiểm xã hội, sau đó bị gián đoạn thời gian làm việc mà phải nghỉ việc hưởng chế độ ốm đau ngay trong tháng đầu tiên trở lại làm việc thì mức hưởng bằng 75% mức tiền lương đóng bảo hiểm xã hội của tháng đó.

2. Người lao động hưởng tiếp chế độ ốm đau quy định tại điểm b khoản 2 Điều 26 của Luật này thì mức hưởng được quy định như sau:

a) Bằng 65% mức tiền lương đóng bảo hiểm xã hội của tháng liền kề trước khi nghỉ việc nếu đã đóng bảo hiểm xã hội từ đủ 30 năm trở lên;

b) Bằng 55% mức tiền lương đóng bảo hiểm xã hội của tháng liền kề trước khi nghỉ việc nếu đã đóng bảo hiểm xã hội từ đủ 15 năm đến dưới 30 năm;

c) Bằng 50% mức tiền lương đóng bảo hiểm xã hội của tháng liền kề trước khi nghỉ việc nếu đã đóng bảo hiểm xã hội dưới 15 năm.

3. Người lao động hưởng chế độ ốm đau theo quy định tại khoản 3 Điều 26 của Luật này thì mức hưởng bằng 100% mức tiền lương đóng bảo hiểm xã hội của tháng liền kề trước khi nghỉ việc.

4. Mức hưởng trợ cấp ốm đau một ngày được tính bằng mức trợ cấp ốm đau theo tháng chia cho 24 ngày.”

Đối chiếu theo quy định trên vào trường hợp của công ty bạn, công ty bạn có lao động A bị ốm đau dài ngày, tham gia bảo hiểm xã hội 14 năm, nghỉ ốm đau từ 1/3/2015 đến 16/12/2016. Mức hưởng chế độ trợ cấp khi nghỉ ốm đau dài ngày sẽ được tính như sau: 180 ngày đầu hưởng 75% mức tiền lương đóng bảo hiểm xã hội của tháng liền kề trước khi nghỉ việc. Hết 180 ngày đầu cho đến ngày 16/12/2016 thì do người A đóng bảo hiểm xã hội 14 năm nên được hưởng trợ cấp là 50% mức tiền lương đóng bảo hiểm xã hội của tháng liền kề trước khi nghỉ việc.

Trên đây là tư vấn của Ban biên tập Thư Ký Luật về mức hưởng chế độ ốm đau khi điều trị bệnh dài ngày. Bạn nên tham khảo chi tiết Luật Bảo hiểm xã hội 2014 để nắm rõ quy định này.

Trân trọng!

Đi đến trang Tìm kiếm nội dung Tư vấn pháp luật - Mức hưởng chế độ ốm đau

Thư Viện Pháp Luật

lượt xem
Thông báo
Bạn không có thông báo nào