Trường hợp phạm tội đối với người ở trong tình trạng không thể tự vệ

Pháp luật quy định tình tiết tăng nặng trách nhiệm hình sự trong trường hợp phạm tội đối với người ở trong tình trạng không thể tự vệ được như thế nào?

Phạm tội đối với người ở trong tình trạng không tự vệ được là trường hợp người phạm tội xâm phạm trực tiếp đến tính mạng, sức khỏe, danh dự, nhân phẩm và quyền khác của người đang ở trong tình trạng không thể tự vệ được.
 
Người ở trong tình trạng không thể tự vệ được là người do bản thân họ bị hạn chế về khả năng nhận thức hoặc khả năng điều khiển hành vi do bẩm sinh hoặc do những điều kiện khách quan đem lại, như người bị tâm thần, bị bại liệt, bị mù, bị điếc, bị câm, bị tàn tật …; người đang ngủ say, đang bị bệnh nặng; đang ở trong tình thế khó khăn không thể tự vệ được, v.v..
 
Đối với trẻ em, phụ nữ có thai hoặc người già cũng có trường hợp ở trong tình trạng không thể tự vệ được, nhưng pháp luật đã quy định thành tình tiết tăng nặng riêng. Trong trường hợp cụ thể nào đó mà trẻ em, phụ nữ có thai hoặc người già bị xâm phạm trong tình trạng không thể tự vệ được thì mức tăng nặng hình phạt đối với người phạm tội nhiều hơn trường hợp không phải trong tình trạng này.
 
Mức độ tăng nặng trách nhiệm hình sự của tình tiết này tùy thuộc vào mối quan hệ lệ thuộc giữa nạn nhân với bị cáo và vào nghĩa vụ của bị cáo đối với nạn nhân. Nếu mối quan hệ càng sâu sắc, nghĩa vụ của bị cáo đối với nạn nhân càng lớn thì mức tăng nặng càng nhiều và ngược lại.
 

Thư Viện Pháp Luật

lượt xem
Thông báo
Bạn không có thông báo nào