Có được đòi lại đất khai hóa từ năm 1980 nhưng không sử dụng?
Tại thời điểm năm 1980 khi gia đình ông A thực hiện việc khai hoang thì chưa có văn bản pháp luật điều chỉnh vấn đề này. Cho đến năm 1987, Luật đất đai đầu tiên được ban hành cũng chỉ quy định theo hướng khuyến khích người dân khai hoang để mở rộng diện tích đất sản xuất nhưng chưa quy định về chế độ sở hữu đối với người có công khai hoang. Do đó, việc giải quyết quyền lợi của các bên trong trường hợp này sẽ được thực hiện trên cơ sở viện dẫn quy định của pháp luật đất đai hiện hành.
Thứ nhất, về quyền của ông A đối với thửa đất tranh chấp. Theo như thông tin bạn đưa ra, ông A là người đầu tiên thực hiện việc khai hoang trên diện tích đất tranh chấp nhưng việc khai hoang bị bỏ dở và được gia đình ông B hoàn thành và sử dụng ổn định cho tới nay. Tuy nhiên, bạn có nhắc đến thửa đất này thuộc quỹ đất nông nghiệp sử dụng vào mục đích công ích (đất 5%) nên cần phải xác định rõ như sau:
Căn cứ Khoản 1 Điều 132 Luật đất đai 2013:
“Căn cứ vào quỹ đất, đặc điểm và nhu cầu của địa phương, mỗi xã, phường, thị trấn được lập quỹ đất nông nghiệp sử dụng vào mục đích công ích không quá 5% tổng diện tích đất trồng cây hàng năm, đất trồng cây lâu năm, đất nuôi trồng thủy sản để phục vụ cho các nhu cầu công ích của địa phương.
Đất nông nghiệp do tổ chức, hộ gia đình, cá nhân trả lại hoặc tặng cho quyền sử dụng cho Nhà nước, đất khai hoang, đất nông nghiệp thu hồi là nguồn để hình thành hoặc bổ sung cho quỹ đất nông nghiệp sử dụng vào mục đích công ích của xã, phường, thị trấn.
Đối với những nơi đã để lại quỹ đất nông nghiệp sử dụng vào mục đích công ích vượt quá 5% thì diện tích ngoài mức 5% được sử dụng để xây dựng hoặc bồi thường khi sử dụng đất khác để xây dựng các công trình công cộng của địa phương; giao cho hộ gia đình, cá nhân trực tiếp sản xuất nông nghiệp, nuôi trồng thủy sản tại địa phương chưa được giao đất hoặc thiếu đất sản xuất.”
Vì thuộc quỹ đất 5% nên thửa đất sẽ được sử dụng vào các mục đích công công cộng và chưa được cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất mà sẽ do Ủy ban nhân dân cấp xã nơi có đất quản lý, sử dụng. Bởi vậy, ông A không thể dựa vào việc khai hoang ban đầu để đòi lại đất mà cần phải có một trong những giấy tờ về quyền sử dụng đất được quy định tại Điều 99, Điều 100, Điều 101 Luật đất đai 2013 để chứng minh quyền sở hữu đối với quyền sử dụng thửa đất. Bên cạnh đó, nếu trường hợp của Ông B sử dụng đất là do được Nhà nước giao đất thì ông A sẽ không thể đòi lại đất khi đã được giao cho ông B căn cứ Khoản 5 Điều 26 Luật đất đai 2013 quy định như sau:
Nhà nước không thừa nhận việc đòi lại đất đã được giao theo quy định của Nhà nước cho người khác sử dụng trong quá trình thực hiện chính sách đất đai của Nhà nước Việt Nam dân chủ cộng hòa, Chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam và Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam.
Thứ hai, nếu ông B được Nhà nước giao đất thì theo quy định tại Điều 132 Luật đất đai 2013 việc sử dụng đất của gia đình ông B có thể thuộc một trong hai trường hợp:
+ Trường hợp thứ nhất: Hộ gia đình ông B được giao đất để sản xuất nông nghiệp, nuôi trồng thủy sản nếu quỹ đất sử dụng vào mục đích công ích tại địa phương vượt quá 5% tổng diện tích đất trồng cây hàng năm, đất trồng cây lâu năm, đất nuôi trồng thủy sản tại địa phương và hộ ông B thuộc diện thiếu đất sản xuất.
+ Trường hợp thứ hai: Hộ gia đình ông B được cho thuê đất theo hình thức đấu giá để sản xuất nông nghiệp, nuôi trồng thủy sản nếu quỹ đất 5% tại địa phương chưa được sử dụng hết.
Nếu sử dụng đất theo hình thức được giao đất, với căn cứ là việc sử dụng đất ổn định, lâu dài từ những năm 1980 thì gia đình ông B có điều kiện thuận lợi trong việc xin cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất theo quy định tại Khoản 2 Điều 101 Luật đất đai 2013:
“Hộ gia đình, cá nhân đang sử dụng đất không có các giấy tờ quy định tại Điều 100 của Luật này nhưng đất đã được sử dụng ổn định từ trước ngày 01 tháng 7 năm 2004 và không vi phạm pháp luật về đất đai, nay được Ủy ban nhân dân cấp xã xác nhận là đất không có tranh chấp, phù hợp với quy hoạch sử dụng đất, quy hoạch chi tiết xây dựng đô thị, quy hoạch xây dựng điểm dân cư nông thôn đã được cơ quan nhà nước có thẩm quyền phê duyệt đối với nơi đã có quy hoạch thì được cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất.”
Trên đây là tư vấn của Ban biên tập Thư Ký Luật về việc đòi lại đất khai hóa từ năm 1980 nhưng không sử dụng. Bạn nên tham khảo chi tiết Luật đất đai 2013 để nắm rõ quy định này.
Trân trọng!
Thư Viện Pháp Luật