Không trả nợ theo đúng thời hạn có bị truy cứu trách nhiệm hình sự?
Điều 139 Bộ luật hình sự 1999 quy định Tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản như sau:
"1. Người nào bằng thủ đoạn gian dối chiếm đoạt tài sản của người khác có giá trị từ hai triệu đồng đến dưới năm mươi triệu đồng hoặc dưới hai triệu đồng nhưng gây hậu quả nghiêm trọng hoặc đã bị xử phạt hành chính về hành vi chiếm đoạt hoặc đã bị kết án về tội chiếm đoạt tài sản, chưa được xoá án tích mà còn vi phạm, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến ba năm hoặc phạt tù từ sáu tháng đến ba năm.
2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ hai năm đến bảy năm:
a) Có tổ chức;
b) Có tính chất chuyên nghiệp;
c) Tái phạm nguy hiểm;
d) Lợi dụng chức vụ, quyền hạn hoặc lợi dụng danh nghĩa cơ quan, tổ chức;
đ) Dùng thủ đoạn xảo quyệt;
e) Chiếm đoạt tài sản có giá trị từ năm mươi triệu đồng đến dưới hai trăm triệu đồng;
g) Gây hậu quả nghiêm trọng."
Theo như bạn trình bày, bạn có vay của 1 người 12 triệu đồng, chưa có khả năng trả nợ và có xin khất trả đàng hoàng; trong trường hợp này nếu bạn không dùng thủ đoạn gian đối để chiếm đoạt tài sản là 12 triệu đồng hoặc có hành vi bỏ trốn nhằm trốn tránh nghĩa vụ trả nơ thì bạn không bị truy cứu trách nhiệm hình sự tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản hoặc tội lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản.
Nếu bạn không trả nợ theo thời hạn hai bên đã thỏa thuận thì người cho vay có quyền khởi kiện bạn ra Tòa ánh nhân dân cấp huyện nơi bạn đang cư trú để yêu cầu giải quyết.
Việc người cho vay liên tục chửi bới, rêu rao bạn đi lừa đảo trên mạng gây ảnh hưởng đến danh dự, nhân phẩm của bạn thì người cho vay tiền có thể sẽ bị truy cứu trách nhiệm hình sự tội làm nhục người khác theo quy định tại Điều 121 Bộ luật hình sự 1999:
"1. Người nào xúc phạm nghiêm trọng nhân phẩm, danh dự của người khác, thì bị phạt cảnh cáo, cải tạo không giam giữ đến hai năm hoặc phạt tù từ ba tháng đến hai năm.
2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ một năm đến ba năm:
a) Phạm tội nhiều lần;
b) Đối với nhiều người;
c) Lợi dụng chức vụ, quyền hạn;
d) Đối với người thi hành công vụ;
đ) Đối với người dạy dỗ, nuôi dưỡng, chăm sóc, chữa bệnh cho mình.
3. Người phạm tội còn có thể bị cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ một năm đến năm năm."
Nếu không cấu thành Tội làm nhục người khác thì sẽ bị xử phạt hành chính theo Điểm a Khoản 1 Điều 5 Nghị định 167/2013/NĐ-CP:
Phạt cảnh cáo hoặc phạt tiền từ 100.000 đồng đến 300.000 đồng đối với một trong những hành vi sau đây: Có cử chỉ, lời nói thô bạo, khiêu khích, trêu ghẹo, xúc phạm danh dự, nhân phẩm của người khác.
Trên đây là tư vấn của Ban biên tập Thư Ký Luật về việc truy cứu trách nhiệm hình sự hành vi không trả nợ đúng hạn. Bạn nên tham khảo chi tiết Bộ luật hình sự 1999 để nắm rõ quy định này.
Trân trọng!
Thư Viện Pháp Luật