Trường hợp phạm tội gây hậu quả rất nghiêm trọng hoặc đặc biệt nghiêm trọng

Pháp luật quy định tình tiết tăng nặng trách nhiệm hình sự trong trường hợp phạm tội gây hậu quả rất nghiêm trọng hoặc đặc biệt nghiêm trọng như thế nào?

Bộ luật hình sự năm 1985 chưa quy định trường hợp phạm tội gây hậu quả rất nghiêm trọng hoặc đặc biệt nghiêm trọng là tình tiết tăng nặng trách nhiệm hình sự, mà chỉ là yếu tố định tội hoặc định khung hình phạt ở một số tội. Do thực tiễn xét xử có nhiều trường hợp người phạm tội gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng, nhưng điều khoản của Bộ luật hình sự về tội đó lại không quy định là tình tiết tăng nặng trách nhiệm hình sự, nên khi áp dụng hình phạt, Tòa án chỉ nhận định trong bản án mà không có căn cứ để quyết định hình phạt nặng hơn trường hợp gây hậu quả nghiêm trọng. Mặt khác, Bộ luật hình sự năm 1999 có quy định ba mức hậu quả ( nghiêm trọng, rất nghiêm trọng và đặc biệt nghiêm trọng) nên ngoài việc quy định các tình tiết này là yếu tố định tội hoặc định khung hình phạt, thì nhà làm luật còn quy định nó là tình tiết tăng nặng trách nhiệm hình sự là hoàn toàn phù hợp với thực tiễn xét xử cũng như căn cứ của Bộ luật hình sự năm 1999
 
a) Phạm tội gây hậu quả rất nghiêm trọng
 
Phạm tội gây hậu quả rất nghiêm trọng là những thiệt hại do tội phạm gây ra rất lớn, lớn hơn so với mức gây hậu quả nghiêm trọng.
 
Việc xác định hậu quả như thế nào là rất nghiêm trọng phải căn cứ hành vi phạm tội cụ thể, nếu là xâm phạm đến tính mạng, sức khỏe thì phải căn cứ vào thiệt hại về tính mạng, sức khỏe. Nếu xâm phạm đến tài sản thì phải căn cứ vào thiệt hại về tài sản…
 
Ngoài những thiệt hại về vật chất, còn phải căn cứ vào những thiệt hại khác không phải là vật chất.
 
Hậu quả rất nghiêm trọng còn phụ thuộc vào tội phạm được thực hiện do cố ý hay vô ý, tội phạm được thực hiện do cố ý thì thiệt hại do hành vi phạm tội gây ra thấp hơn thiệt hại do vô ý gây ra.
 
Mức độ tăng nặng của tình tiết này phụ thuộc vào mức độ thiệt hại do hành vi phạm tội gây ra, thiệt hại càng lớn, mức độ tăng nặng càng nhiều và ngược lại.
 
b) Phạm tội gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng
 
Hậu quả đặc biệt nghiêm trọng là những thiệt hại do tội phạm gây ra đặc biệt lớn, lớn hơn so với mức gây hậu quả rất nghiêm trọng.
 
Cũng như xác định hậu quả nghiêm trọng và rất nghiêm trọng, việc xác định hậu quả đặc biệt nghiêm trọng cũng phải căn cứ vào thiệt hại do hành vi phạm tội gây ra trong từng vụ án cụ thể, căn cứ vào lỗi của người phạm tội, vào tính chất của hành vi phạm tội và mức độ thiệt hại do hành vi phạm tội gây ra.
 
Nếu thiệt hại về tài sản, được coi là hậu quả đặc biệt nghiêm trọng khi hành vi phạm tội gây ra thiệt hại từ 500 triệu đồng trở lên đối với tội do cố ý và từ 800 triệu đồng trở lên đối với tội do vô ý, nếu là thiệt hại về tính mạng thì phải từ 3 người chết trở lên đối với tội do cố ý và từ 5 người chết trở lên đối với tội do vô ý.
 
Đối với những thiệt hại phi vật chất, được coi là hậu quả đặc biệt nghiêm trọng khi hành vi phạm tội đã xâm phạm đến nhiều mặt của đời sống xã hội, làm ảnh hưởng rất nghiêm trọng đến chính sách của Đảng và Nhà nước trên phạm vi rộng lớn, ảnh hưởng rất nghiêm trọng đến việc sản xuất, lưu thông trên một phạm vi rộng, ảnh hưởng nghiêm trọng đến lòng tin của nhân dân trên phạm vi rộng đối với đường lối, chính sách của Đảng và Nhà nước mà không thể một sớm, một chiều khắc phục ngay được.
 
Mức độ tăng nặng của tình tiết này cũng phụ thuộc vào những thiệt hại do hành vi phạm tội gây ra cho xã hội, thiệt hại càng nghiêm trọng thì mức độ tăng nhẹ càng nhiều và ngược lại.
 

Đi đến trang Tìm kiếm nội dung Tư vấn pháp luật - Tội phạm đặc biệt nghiêm trọng

Thư Viện Pháp Luật

lượt xem
Thông báo
Bạn không có thông báo nào