Cố tình dắt nhầm xe của người khác là phạm tội gì?
Theo thông tin bạn nêu thì Nam có ý định chiếm đoạt chiếc xe của bạn. Trị giá chiếc xe của bạn từ 2 triệu đồng trở lên thì hành vi của Nam là nguy hiểm cho xã hội và có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự (nếu hành vi thỏa mãn các dấu hiệu cấu thành tội phạm).
Hành vi của Nam thể hiện sự "lén lút" nhằm chiếm đoạt chiếc xe đó nên hành vi này có dấu hiệu của tội trộm cắp tài sản theo quy định tại Điều 138 Bộ luật hình sự 1999. Cụ thể như sau:
Điều 138. Tội trộm cắp tài sản.
1. Người nào trộm cắp tài sản của người khác có giá trị từ hai triệu đồng đến dưới năm mươi triệu đồng hoặc dưới hai triệu đồng nhưng gây hậu quả nghiêm trọng hoặc đã bị xử phạt hành chính về hành vi chiếm đoạt hoặc đã bị kết án về tội chiếm đoạt tài sản, chưa được xoá án tích mà còn vi phạm, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến ba năm hoặc phạt tù từ sáu tháng đến ba năm.
2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ hai năm đến bảy năm:
a) Có tổ chức;
b) Có tính chất chuyên nghiệp;
c) Tái phạm nguy hiểm;
d) Dùng thủ đoạn xảo quyệt, nguy hiểm;
đ) Hành hung để tẩu thoát;
e) Chiếm đoạt tài sản có giá trị từ năm mươi triệu đồng đến dưới hai trăm triệu đồng;
g) Gây hậu quả nghiêm trọng.
3. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ bảy năm đến mười lăm năm:
a) Chiếm đoạt tài sản có giá trị từ hai trăm triệu đồng đến dưới năm trăm triệu đồng;
b) Gây hậu quả rất nghiêm trọng.
4. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ mười hai năm đến hai mươi năm hoặc tù chung thân:
a) Chiếm đoạt tài sản có giá trị từ năm trăm triệu đồng trở lên;
b) Gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng.5. Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ năm triệu đồng đến năm mươi triệu đồng.
Nếu Nam lấy cắp được vé xe và đưa vé xe cho người trông xe rồi mới bị phát hiện thì hành vi của Nam sẽ không bị xem xét về tội trộm cắp tài sản mà sẽ bị xem xét về tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản theo quy định tại Điều 139 Bộ luật hình sự. Trong trường hợp này thì hành vi của Nam là có thủ đoạn "gian dối", đánh lừa người trông giữ xe để lấy chiếc xe đó chứ không còn là hành vi "lén lút" (dấu hiệu đặc thù của tội trộm cắp tài sản).
Vì vậy, cần làm rõ về chiếc vé xe, nếu gửi xe không có vé mà Nam nói với người trông xe là "xe của Nam" thì vẫn có thể xem xét hành vi của Nam ở tội danh lừa đảo chiếm đoạt tài sản. Nếu hành vi của Nam chỉ dừng lại ở hành vi "lén lút", không có thủ đoạn nào công khai lừa dối người trông giữ xe thì khi đó mới xem xét về tội trộm cắp tài sản.
Theo quy định của Bộ luật hình sự về cấu thành tội phạm (Điều 8 BLHS) thì ngoài hành vi nguy hiểm cho xã hội, đối tượng thực hiện hành vi phải đủ tuổi chịu trách nhiệm hình sự, có lỗi...
Vì vậy, để xử lý Nam về tội trộm cắp tài sản hay tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản thì cần làm rõ tuổi của Nam xem đối tượng này đã đủ tuổi chịu trách nhiệm hình sự theo quy định tại Điều 12 BLHS hay chưa, cụ thể như sau:
Điều 12. Tuổi chịu trách nhiệm hình sự
1. Người từ đủ 16 tuổi trở lên phải chịu trách nhiệm hình sự về mọi tội phạm.
2. Người từ đủ 14 tuổi trở lên, nhưng chưa đủ 16 tuổi phải chịu trách nhiệm hình sự về tội phạm rất nghiêm trọng do cố ý hoặc tội phạm đặc biệt nghiêm trọng.
Theo quy định tại Điều 8 BLHS thì "Tội phạm ít nghiêm trọng là tội phạm gây nguy hại không lớn cho xã hội mà mức cao nhất của khung hình phạt đối với tội ấy là đến ba năm tù; tội phạm nghiêm trọng là tội phạm gây nguy hại lớn cho xã hội mà mức cao nhất của khung hình phạt đối với tội ấy là đến bảy năm tù; tội phạm rất nghiêm trọng là tội phạm gây nguy hại rất lớn cho xã hội mà mức cao nhất của khung hình phạt đối với tội ấy là đến mười lăm năm tù; tội phạm đặc biệt nghiêm trọng là tội phạm gây nguy hại đặc biệt lớn cho xã hội mà mức cao nhất của khung hình phạt đối với tội ấy là trên mười lăm năm tù, tù chung thân hoặc tử hình".
Vì vậy, cần xem lại giá trị chiếc xe mà Nam định trộm cắp và tuổi của Nam, đối chiếu với quy định tại Điều 8, ĐIều 12, Điều 138 hoặc Điều 139 để xác định điều kiện truy cứu trách nhiệm hình sự với Nam.
Theo thông tin vụ việc thì hành vi của Nam bị phát hiện, ngăn chặn kịp thời. Nam chưa mang được chiếc xe đó ra khỏi khu vực trông giữ nên hành vi của Nam là phạm tội chưa đạt. Nếu bị xử lý hình sự thì Nam sẽ được áp dụng quy định về phạm tội chưa đạt, cụ thể như sau:
Điều 18. Phạm tội chưa đạt
1. Phạm tội chưa đạt là cố ý thực hiện tội phạm nhưng không thực hiện được đến cùng vì những nguyên nhân ngoài ý muốn của người phạm tội.
2. Người phạm tội chưa đạt phải chịu trách nhiệm hình sự về tội phạm chưa đạt.
Điều 52. Quyết định hình phạt trong trường hợp chuẩn bị phạm tội, phạm tội chưa đạt.
1. Đối với hành vi chuẩn bị phạm tội và hành vi phạm tội chưa đạt, hình phạt đựơc quyết định theo các điều của Bộ luật này về các tội phạm tương ứng tùy theo tính chất, mức độ nguy hiểm cho xã hội của hành vi, mức độ thực hiện ý định phạm tội và những tình tiết khác khiến cho tội phạm không thực hiện được đến cùng.
2. Đối với trường hợp chuẩn bị phạm tội, nếu điều luật được áp dụng có quy định hình phạt cao nhất là tù chung thân hoặc tử hình, thì mức hình phạt cao nhất được áp dụng là không quá hai mươi năm tù; nếu là tù có thời hạn thì mức hình phạt không quá một phần hai mức phạt tù mà điều luật quy định.
3. Đối với trường hợp phạm tội chưa đạt, nếu điều luật được áp dụng có quy định hình phạt cao nhất là tù chung thân hoặc tử hình, thì chỉ có thể áp dụng các hình phạt này trong trường hợp đặc biệt nghiêm trọng; nếu là tù có thời hạn thì mức hình phạt không quá ba phần tư mức phạt tù mà điều luật quy định.
Như vậy, để giải quyết đúng đắn vụ việc trên thì cần làm rõ nhiều tình tiết như: Tuổi của Nam, giá trị của chiếc xe máy, hành vi lén lút hay gian dối, có vé xe hay không ? Hành vi lấy xe không thực hiện được là do ngăn cản hay tự ý nửa chừng chấm dứt hành vi? Từ đó mới có thể kết luận được là có đủ điều kiện xử lý hình sự với Nam không và mức độ xử lý ra sao.
Thư Viện Pháp Luật