Xác định tội danh và khung hình phạt
- Căn cứ Điều 143 Bộ luật hình sự 1999 quy định về tội huỷ hoại hoặc cố ý làm hư hỏng tài sản như sau:
"1. Người nào hủy hoại hoặc cố ý làm hư hỏng tài sản của người khác gây thiệt hại từ hai triệu đồng đến dưới năm mươi triệu đồng hoặc dưới hai triệu đồng nhưng gây hậu quả nghiêm trọng hoặc đã bị xử phạt hành chính về hành vi này hoặc đã bị kết án về tội này, chưa được xoá án tích mà còn vi phạm, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến ba năm hoặc phạt tù từ sáu tháng đến ba năm.
2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ hai năm đến bảy năm:
a) Có tổ chức;
b) Dùng chất nổ, chất cháy hoặc thủ đoạn nguy hiểm khác;
c) Gây hậu quả nghiêm trọng;
d) Để che giấu tội phạm khác;
đ) Vì lý do công vụ của người bị hại;
e) Tái phạm nguy hiểm;
g) Gây thiệt hại cho tài sản có giá trị từ năm mươi triệu đồng đến dưới hai trăm triệu đồng.
3. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ bảy năm đến mười lăm năm:
a) Gây thiệt hại cho tài sản có giá trị từ hai trăm triệu đồng đến dưới năm trăm triệu đồng;
b) Gây hậu quả rất nghiêm trọng.
4. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ mười hai năm đến hai mươi năm hoặc tù chung thân:
a) Gây thiệt hại cho tài sản có giá trị từ năm trăm triệu đồng trở lên;
b) Gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng.
5. Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ mười triệu đồng đến một trăm triệu đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ một năm đến năm năm."
- Căn cứ Điều 20 Bộ luật hình sự 1999 quy định về đồng phạm như sau:
"1. Đồng phạm là trường hợp có hai người trở lên cố ý cùng thực hiện một tội phạm.
2. Người tổ chức, người thực hành, người xúi giục, người giúp sức đều là những người đồng phạm.
Người thực hành là người trực tiếp thực hiện tội phạm.
Người tổ chức là người chủ mưu, cầm đầu, chỉ huy việc thực hiện tội phạm.
Người xúi giục là người kích động, dụ dỗ, thúc đẩy người khác thực hiện tội phạm.
Người giúp sức là người tạo những điều kiện tinh thần hoặc vật chất cho việc thực hiện tội phạm.
3. Phạm tội có tổ chức là hình thức đồng phạm có sự câu kết chặt chẽ giữa những người cùng thực hiện tội phạm."
- Trách nhiệm hình sự đối với Q: Q đã có hành vi đốt xưởng sản xuất gỗ của N, gây thiệt hại 350 triệu đồng. Do đó, hành vi của Q đã đủ cấu thành tội phạm hình sự tại Khoản 3 Điều 143 Bộ luật hình sự năm 1999 về tội huỷ hoại hoặc cố ý làm hư hỏng tài sản nêu trên.
- Trách nhiệm hình sự đối với P: P là người tổ chức thực hiện hành vi phạm tội của Q, là người cố ý, có ý định và mong muốn đốt xưởng sản xuất gỗ của anh N, tuy không trực tiếp thực hiện hành vi đốt xưởng, nhưng P là người lên ý tưởng, xác định địa điểm và nhờ Q thực hiện giúp mình. Do đó, P là đồng phạm của Q theo quy định tại Khoản 2 Điều 20 Bộ luật hình sự năm 1999 nêu trên.
P và Q phạm tội theo Khoản 3 Điều 143 Bộ luật hình sự 1999 về tội huỷ hoại hoặc cố ý làm hư hỏng tài sản, khung hình phạt tù từ bảy năm đến mười lăm năm. Ngoài ra, P và Q còn phải chịu trách nhiệm bồi thường thiệt hại theo quy định của Bộ luật dân sự 2015.
- Căn cứ Điều 584 Bộ luật dân sự 2015 quy định về căn cứ phát sinh trách nhiệm bồi thường thiệt hại như sau:
1. Người nào có hành vi xâm phạm tính mạng, sức khỏe, danh dự, nhân phẩm, uy tín, tài sản, quyền, lợi ích hợp pháp khác của người khác mà gây thiệt hại thì phải bồi thường, trừ trường hợp Bộ luật này, luật khác có liên quan quy định khác.
2. Người gây thiệt hại không phải chịu trách nhiệm bồi thường thiệt hại trong trường hợp thiệt hại phát sinh là do sự kiện bất khả kháng hoặc hoàn toàn do lỗi của bên bị thiệt hại, trừ trường hợp có thỏa thuận khác hoặc luật có quy định khác.
3. Trường hợp tài sản gây thiệt hại thì chủ sở hữu, người chiếm hữu tài sản phải chịu trách nhiệm bồi thường thiệt hại, trừ trường hợp thiệt hại phát sinh theo quy định tại khoản 2 Điều này.
Trên đây là tư vấn của Ban biên tập Thư Ký Luật về xác định tội danh và khung hình phạt. Bạn nên tham khảo chi tiết Bộ luật hình sự 1999 để nắm rõ quy định này.
Trân trọng!
Thư Viện Pháp Luật