Thủ tục chào hàng cạnh trạnh thông thường?
Với thông tin bạn đưa ra, đơn vị của bạn là đơn vị sự nghiệp công lập thuộc trường hợp mua sắm thường xuyên. Do đó, hình thức lựa chọn nhà thầu, nhà đầu tư áp dụng hình thức chào hàng cạnh tranh thông thường theo Điều 18 và Điều 19 Thông tư 58/2016/TT-BTC:
“1. Chào hàng cạnh tranh được áp dụng đối với gói thầu có giá trị không quá 2 tỷ đồng và thuộc một trong các trường hợp sau:
a) Gói thầu dịch vụ phi tư vấn thông dụng, đơn giản;
b) Gói thầu mua sắm tài sản, hàng hóa thông dụng (có nhiều người sử dụng và có nguồn cung cấp đảm bảo, ổn định), sẵn có trên thị trường (hàng hóa được giao ngay khi có nhu cầu mà không phải thông qua đặt hàng để thiết kế, gia công, chế tạo, sản xuất), có đặc tính kỹ thuật được tiêu chuẩn hóa (theo tiêu chuẩn Việt Nam, tiêu chuẩn cơ sở, tiêu chuẩn quốc tế hoặc tiêu chuẩn nước ngoài) và tương đương nhau về chất lượng (có khả năng thay thế lẫn nhau do có cùng đặc tính kỹ thuật, tính năng sử dụng và các đặc tính khác).
2. Chào hàng cạnh tranh được thực hiện khi đáp ứng đủ các Điều kiện sau:
a) Có kế hoạch lựa chọn nhà thầu được phê duyệt;
b) Có văn bản phê duyệt dự toán mua sắm của cấp có thẩm quyền”.
“1. Gói thầu mua sắm tài sản, hàng hóa, dịch vụ đáp ứng yêu cầu tại Khoản 1 Điều 18 Thông tư 58/2016/TT-BTC có giá gói thầu từ trên 200 triệu đồng đến 2 tỷ đồng được thực hiện quy trình chào hàng cạnh tranh thông thường theo quy định tại Điều 58 Nghị định 63/2014/NĐ-CP ngày 26/6/2014 của Chính phủ.”
Theo đó, quy trình chào hàng cạnh tranh thông thường theo Điều 58 Nghị định 63/2014/NĐ-CP như sau:
- Chuẩn bị nhà thầu:
+ Lập hồ sơ yêu cầu;
+ Thẩm định và phê duyệt hồ sơ yêu cầu;
- Tổ chức lựa chọn nhà thầu:
+ Bên mời thầu đăng tải thông báo mời chào hàng theo quy định tại Điểm d Khoản 1 Điều 7 và Điểm b Khoản 1 hoặc Điểm a Khoản 2 Điều 8 của Nghị định 63/2014/NĐ-CP .
+ Việc sửa đổi, làm rõ hồ sơ yêu cầu thực hiện theo quy định tại Khoản 2 Điều 14 của Nghị định 63/2014/NĐ-CP ;
+ Nhà thầu nộp hồ sơ đề xuất đến bên mời thầu bằng cách gửi trực tiếp hoặc gửi qua đường bưu điện. Mỗi nhà thầu chỉ được nộp một hồ sơ đề xuất;
+ Bên mời thầu chịu trách nhiệm bảo mật các thông tin trong hồ sơ đề xuất của từng nhà thầu. Ngay sau thời điểm đóng thầu, bên mời thầu tiến hành mở các hồ sơ đề xuất và lập biên bản mở thầu bao gồm các nội dung: Tên nhà thầu; giá chào; thời gian có hiệu lực của hồ sơ đề xuất; giá trị, thời gian có hiệu lực của bảo đảm dự thầu; thời gian thực hiện hợp đồng và gửi văn bản này đến các nhà thầu đã nộp hồ sơ đề xuất.
+ Đánh giá các hồ sơ đề xuất và thương thảo hợp đồng;
+ Trình, thẩm định, phê duyệt và công khai kết quả lựa chọn nhà thầu;
+ Hoàn thiện và ký kết hợp đồng;
Như thế, các bước tiến hành nêu trên chưa đầy đủ. Đơn vị sự nghiệp của bạn xem xét quy định nêu trên về quy trình, thủ tục để thực hiện cho đúng.
Thẩm quyền phê duyệt kế hoạch lựa chọn nhà thầu theo Điều 14 Thông tư 58/2016/TT-BTC:
Sau khi nhận được đầy đủ hồ sơ về kế hoạch lựa chọn nhà thầu và báo cáo thẩm định, Thủ trưởng cơ quan, đơn vị quy định tại Điều 5 Thông tư 58/2016/TT-BTC có trách nhiệm phê duyệt kế hoạch lựa chọn nhà thầu bằng văn bản (sau khi có quyết định phê duyệt dự toán mua sắm) để làm cơ sở tổ chức lựa chọn nhà thầu hoặc đồng thời với quá trình phê duyệt dự toán mua sắm trong trường hợp đủ Điều kiện.
Như vậy, thẩm quyền phê duyệt kế hoạch lựa chọn nhà thầu và phê duyệt kết quả chào hàng cạnh tranh nói trên là đúng.
Trên đây là tư vấn của Ban biên tập Thư Ký Luật về thủ tục chào hàng cạnh trạnh thông thường. Bạn nên tham khảo chi tiết Thông tư 58/2016/TT-BTC để nắm rõ quy định này.
Trân trọng!
Thư Viện Pháp Luật