Sau khi hủy thầu, đấu thầu lại có cần phê duyệt lại kế hoạch lựa chọn nhà thầu không?
Theo như bạn trình bày thì Bệnh viện thực hiện quy trình đấu thầu rộng rãi nhưng không lựa chọn được nhà thầu và Bệnh viện muốn tổ chức đấu thầu lại để lựa chọn được nhà thầu đáp ứng được điều kiện thì quy trình đấu thầu rộng rãi vẫn sẽ được thực hiện như cũ.
Căn cứ Điều 20 Luật đấu thầu 2013 quy định đấu thầu rộng rãi như sau:
1.Đấu thầu rộng rãi là hình thức lựa chọn nhà thầu, nhà đầu tư trong đó không hạn chế số lượng nhà thầu, nhà đầu tư tham dự.
2.Đấu thầu rộng rãi được áp dụng cho các gói thầu, dự án thuộc phạm vi điều chỉnh của Luật này, trừ trường hợp quy định tại Điều 21, 22, 23, 24, 25, 26 và 27 của Luật này.
Vì thông tin bạn đưa ra không đầy đủ về phương thức đấu thầu một túi hồ sơ hay đấu thầu hai túi hồ sơ nên theo Luật đấu thầu 2013 thì trình tự, thủ tục đấu thầu rộng rãi theo hai phương thức sau:
Đấu thầu rộng rãi phương thức một giai đoạn một túi hồ sơ theo quy định tại Điều 28 Luật đấu thầu 2013:
1. Phương thức một giai đoạn một túi hồ sơ được áp dụng trong các trường hợp sau đây:
a) Đấu thầu rộng rãi, đấu thầu hạn chế đối với gói thầu cung cấp dịch vụ phi tư vấn; gói thầu mua sắm hàng hóa, xây lắp, hỗn hợp có quy mô nhỏ;
b) Chào hàng cạnh tranh đối với gói thầu cung cấp dịch vụ phi tư vấn, mua sắm hàng hóa, xây lắp;
c) Chỉ định thầu đối với gói thầu cung cấp dịch vụ tư vấn, dịch vụ phi tư vấn, mua sắm hàng hóa, xây lắp, hỗn hợp;
d) Mua sắm trực tiếp đối với gói thầu mua sắm hàng hóa;
đ) Chỉ định thầu đối với lựa chọn nhà đầu tư.
2. Nhà thầu, nhà đầu tư nộp hồ sơ dự thầu, hồ sơ đề xuất gồm đề xuất về kỹ thuật và đề xuất về tài chính theo yêu cầu của hồ sơ mời thầu, hồ sơ yêu cầu.
3. Việc mở thầu được tiến hành một lần đối với toàn bộ hồ sơ dự thầu, hồ sơ đề xuất.
Cụ thể, Điều 11 Nghị định 63/2014/NĐ-CP quy định quy trình chi tiết:
- Chuẩn bị lựa chọn nhà thầu, bao gồm:
+ Lập hồ sơ mời thầu;
+ Thẩm định và phê duyệt hồ sơ mời thầu.
- Tổ chức lựa chọn nhà thầu, bao gồm:
+ Mời thầu;
+ Phát hành, sửa đổi, làm rõ hồ sơ mời thầu;
+ Chuẩn bị, nộp, tiếp nhận, quản lý, sửa đổi, rút hồ sơ dự thầu;
+ Mở thầu.
- Đánh giá hồ sơ dự thầu, bao gồm:
+ Kiểm tra, đánh giá tính hợp lệ của hồ sơ dự thầu;
+ Đánh giá chi tiết hồ sơ dự thầu;
+ Xếp hạng nhà thầu.
- Thương thảo hợp đồng.
- Trình, thẩm định, phê duyệt và công khai kết quả lựa chọn nhà thầu.
- Hoàn thiện, ký kết hợp đồng.
Trên đây là tư vấn của Ban biên tập Thư Ký Luật về phê duyệt lại kế hoạch lựa chọn nhà thầu. Bạn nên tham khảo chi tiết Luật đấu thầu 2013 để nắm rõ quy định này.
Trân trọng!
Thư Viện Pháp Luật