Mã ngành dùng trong kinh doanh vật liệu xây dựng
* Về vấn đề góp vốn thành lập doanh nghiệp DN
Điều 34 Luật Doanh nghiệp 2020 quy định về tài sản góp vốn như sau:
1. Tài sản góp vốn là Đồng Việt Nam, ngoại tệ tự do chuyển đổi, vàng, quyền sử dụng đất, quyền sở hữu trí tuệ, công nghệ, bí quyết kỹ thuật, tài sản khác có thể định giá được bằng Đồng Việt Nam.
2. Chỉ cá nhân, tổ chức là chủ sở hữu hợp pháp hoặc có quyền sử dụng hợp pháp đối với tài sản quy định tại khoản 1 Điều này mới có quyền sử dụng tài sản đó để góp vốn theo quy định của pháp luật.
Và Điều 75 Luật Doanh nghiệp 2020 quy định về việc góp vốn thành lập công ty TNHH như sau:
1. Vốn điều lệ của công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên khi đăng ký thành lập doanh nghiệp là tổng giá trị tài sản do chủ sở hữu công ty cam kết góp và ghi trong Điều lệ công ty.
2. Chủ sở hữu công ty phải góp vốn cho công ty đủ và đúng loại tài sản đã cam kết khi đăng ký thành lập doanh nghiệp trong thời hạn 90 ngày kể từ ngày được cấp Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp, không kể thời gian vận chuyển, nhập khẩu tài sản góp vốn, thực hiện thủ tục hành chính để chuyển quyền sở hữu tài sản. Trong thời hạn này, chủ sở hữu công ty có các quyền và nghĩa vụ tương ứng với phần vốn góp đã cam kết.
3. Trường hợp không góp đủ vốn điều lệ trong thời hạn quy định tại khoản 2 Điều này, chủ sở hữu công ty phải đăng ký thay đổi vốn điều lệ bằng giá trị số vốn đã góp trong thời hạn 30 ngày kể từ ngày cuối cùng phải góp đủ vốn điều lệ. Trường hợp này, chủ sở hữu phải chịu trách nhiệm tương ứng với phần vốn góp đã cam kết đối với các nghĩa vụ tài chính của công ty phát sinh trong thời gian trước ngày cuối cùng công ty đăng ký thay đổi vốn điều lệ theo quy định tại khoản này.
4. Chủ sở hữu công ty chịu trách nhiệm bằng toàn bộ tài sản của mình đối với các nghĩa vụ tài chính của công ty, thiệt hại xảy ra do không góp, không góp đủ, không góp đúng hạn vốn điều lệ theo quy định tại Điều này.
Từ những căn cứ nêu trên, có thể thấy việc góp vốn bằng tài sản nào sẽ do cá nhân quyết định, pháp luật không có quy định buộc phải góp vốn bằng cả tiền mặt và cả tài sản cố định.
* Về ngành nghề kinh doanh
Căn cứ pháp lý: Quyết định 27/2018/QĐ-TTg
Về ngành nghề kinh doanh vật liệu xây dựng thì sẽ thuộc một trong mã ngành sau (phụ thuộc vào sự lựa chọn của DN):
Mã ngành 4663: Bán buôn vật liệu, thiết bị lắp đặt khác trong xây dựng
Nhóm này gồm:
- Bán buôn gỗ cây, tre, nứa;
- Bán buôn sản phẩm gỗ sơ chế;
- Bán buôn sơn và véc ni;
- Bán buôn vật liệu xây dựng như: cát, sỏi;
- Bán buôn giấy dán tường và phủ sàn;
- Bán buôn kính phẳng;
- Bán buôn đồ ngũ kim và khoá;
- Bán buôn ống nối, khớp nối và chi tiết lắp ghép khác;
- Bán buôn bình đun nước nóng;
- Bán buôn thiết bị vệ sinh như: Bồn tắm, chậu rửa, bệ xí, đồ sứ vệ sinh khác;
- Bán buôn thiết bị lắp đặt vệ sinh như: Ống, ống dẫn, khớp nối, vòi, cút chữ T, ống cao su,...;
- Bán buôn dụng cụ cầm tay: Búa, cưa, tua vít, dụng cụ cầm tay khác.
Mã ngành 4752: Bán lẻ đồ ngũ kim, sơn, kính và thiết bị lắp đặt khác trong xây dựng trong các cửa hàng chuyên doanh
Nhóm này gồm: Bán lẻ chuyên doanh các mặt hàng:
- Đồ ngũ kim;
- Sơn, véc ni và sơn bóng;
- Kính phẳng;
- Vật liệu xây dựng khác như gạch, ngói, gỗ, thiết bị vệ sinh;
- Thiết bị và vật liệu để tự làm.
Nhóm này cũng gồm: Bán lẻ chuyên doanh các mặt hàng:
- Máy cắt cỏ;
- Phòng tắm hơi.
Mã ngành 47524: Bán lẻ xi măng, gạch xây, ngói, đá, cát sỏi, sắt thép và vật liệu xây dựng khác trong các cửa hàng chuyên doanh
Nhóm này gồm: Bán lẻ chuyên doanh các mặt hàng:
- Bán lẻ xi măng, gạch xây, ngói lợp mái;
- Bán lẻ đá, cát, sỏi;
- Bán lẻ sắt, thép xây dựng;
- Bán lẻ vật liệu xây dựng khác.
Loại trừ: Bán lẻ đá ốp lát được phân vào nhóm 47525 (Bán lẻ gạch ốp lát, thiết bị vệ sinh trong các cửa hàng chuyên doanh).
Trên đây là tư vấn về mã ngành dùng trong kinh doanh vật liệu xây dựng.
Trân trọng!
Thư Viện Pháp Luật