Nhiệm vụ, quyền hạn của Hội đồng thành viên PVN

Nhiệm vụ, quyền hạn của Hội đồng thành viên PVN được quy định như thế nào? Xin chào Ban biên tập. Tôi hiện đang làm trong lĩnh vực dầu khí. Tôi có một thắc mắc mong được ban biên tập giúp đỡ. Nhiệm vụ, quyền hạn của Hội đồng thành viên PVN được quy định như thế nào? Văn bản nào quy định điều này? Mong nhận được câu trả lời từ Ban biên tập. Tôi xin chân thành cám ơn Ban biên tập Thư Ký Luật! Tuấn Minh (minh****@gmail.com)

Nhiệm vụ, quyền hạn của Hội đồng thành viên PVN được quy định tại Điều 47 Điều lệ tổ chức và hoạt động của Tập đoàn Dầu khí Việt Nam ban hành kèm theo Nghị định 149/2013/NĐ-CP như sau:

1. Nhận, quản lý và sử dụng có hiệu quả vốn, đất đai, tài nguyên và các nguồn lực khác do chủ sở hữu nhà nước đầu tư cho PVN.

2. Quyết định chiến lược, kế hoạch sản xuất kinh doanh và kế hoạch đầu tư phát triển 05 năm của PVN (bao gồm chiến lược, kế hoạch sản xuất kinh doanh và kế hoạch đầu tư phát triển 05 năm của Tập đoàn) sau khi đề nghị Bộ Công Thương thẩm định và được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.

3. Quyết định kế hoạch sản xuất kinh doanh và kế hoạch đầu tư phát triển hàng năm của PVN và gửi quyết định đến Bộ Công Thương, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính để tổng hợp, giám sát.

4. Quyết định các dự án đầu tư, hợp đồng vay, cho vay, mua, bán tài sản có giá trị đến dưới 30% vốn điều lệ của PVN theo quy định của pháp luật.

5. Đề nghị cấp có thẩm quyền bổ nhiệm, bổ nhiệm lại, miễn nhiệm, chấp thuận từ chức, khen thưởng, kỷ luật đối với Chủ tịch và thành viên Hội đồng thành viên PVN, Tổng giám đốc PVN phù hợp với quy định của pháp luật.

6. Quyết định bổ nhiệm, bổ nhiệm lại, miễn nhiệm, chấp thuận từ chức, ký hợp đồng, chấm dứt hợp đồng, khen thưởng, kỷ luật Phó Tổng giám đốc, Kế toán trưởng PVN theo đề nghị của Tổng giám đốc PVN, phù hợp với quy định của pháp luật.

7. Cử Người đại diện theo ủy quyền của PVN tại công ty con, công ty liên kết; quyết định/giới thiệu/chấp thuận để bổ nhiệm, bổ nhiệm lại, miễn nhiệm, chấp thuận từ chức, khen thưởng, kỷ luật đối với Chức danh quản lý chủ chốt khác tại công ty con, công ty liên kết theo đề nghị của Tổng giám đốc PVN phù hợp với quy định của pháp luật và Điều lệ của công ty con, công ty liên kết.

8. Đề nghị Bộ Công Thương thẩm định trình cấp có thẩm quyền điều chỉnh vốn điều lệ; sửa đổi, bổ sung Điều lệ PVN; tổ chức lại, chuyển đổi sở hữu, giải thể và yêu cầu phá sản PVN.

9. Quyết định góp vốn, nắm giữ, tăng, giảm vốn của PVN tại doanh nghiệp khác; tiếp nhận doanh nghiệp tham gia làm công ty con, công ty liên kết; thay đổi cơ cấu sở hữu của công ty con dẫn đến mất quyền chi phối của PVN sau khi được Bộ Công Thương phê duyệt chủ trương; việc quyết định thành lập công ty con 100% vốn nhà nước, việc tổ chức doanh nghiệp cấp II thành tổng công ty hoạt động theo hình thức công ty mẹ - công ty con sau khi được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án.

10. Quyết định hoặc ủy quyền Tổng giám đốc quyết định dự án đầu tư, hợp đồng vay, cho vay, mua, bán tài sản trong phạm vi thẩm quyền được quy định tại Điều lệ này và các quy định của pháp luật.

11. Đề nghị Bộ Công Thương phê duyệt chủ trương vay nợ nước ngoài.

12. Quyết định thành lập, tổ chức lại, giải thể chi nhánh, văn phòng đại diện, các đơn vị nghiên cứu khoa học, đào tạo và các đơn vị hạch toán phụ thuộc khác sau khi đề nghị Bộ Công Thương thẩm định và được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt chủ trương.

13. Quy định các quy chế quản lý nội bộ của PVN (bao gồm cả quy chế hoạt động của Ban Kiểm soát nội bộ và các bộ phận giúp việc khác theo quy định của pháp luật). Phê duyệt báo cáo tài chính của PVN (gồm báo cáo tài chính của công ty mẹ và báo cáo tài chính hợp nhất), phân phối lợi nhuận, trích lập và sử dụng các quỹ sau khi được cấp có thẩm quyền chấp thuận.

14. Phê duyệt thang lương, bảng lương, đơn giá tiền lương, chế độ trả lương đối với người lao động và viên chức quản lý, trừ các chức danh Chủ tịch và thành viên Hội đồng thành viên, Tổng giám đốc, Kiểm soát viên. Quyết định lương, thưởng và các lợi ích khác đối với các chức danh do Hội đồng thành viên PVN bổ nhiệm.

15. Quyết định các giải pháp phát triển thị trường, tiếp thị và công nghệ của PVN.

16. Thực hiện công tác sắp xếp, đổi mới doanh nghiệp sau khi được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án tổng thể sắp xếp, đổi mới doanh nghiệp của PVN (bao gồm Đề án tổng thể sắp xếp, đổi mới doanh nghiệp của Tập đoàn).

17. Thực hiện quyền và trách nhiệm của chủ sở hữu đối với công ty con, công ty liên kết của PVN quy định tại Chương V của Điều lệ này.

18. Chịu trách nhiệm quản lý và điều hành doanh nghiệp tuân thủ đúng quy định của pháp luật và các quyết định của chủ sở hữu nhà nước; quản lý sử dụng, bảo toàn và phát triển vốn có hiệu quả; báo cáo kịp thời cho chủ sở hữu nhà nước về việc doanh nghiệp hoạt động thua lỗ, không bảo đảm khả năng thanh toán, không hoàn thành mục tiêu, nhiệm vụ do chủ sở hữu nhà nước giao hoặc những trường hợp sai phạm khác.

19. Các quyền, trách nhiệm khác do chủ sở hữu nhà nước giao hoặc ủy quyền của Bộ Công Thương.

Trên đây là quy định về Nhiệm vụ, quyền hạn của Hội đồng thành viên PVN. Để hiểu rõ hơn về điều này bạn nên tham khảo thêm tại Nghị định 149/2013/NĐ-CP.

Trân trọng!

Thư Viện Pháp Luật

lượt xem
Thông báo
Bạn không có thông báo nào