Hồ sơ, thủ tục yêu cầu giải quyết ly hôn theo quy định hiện hành

Xin chào chuyên gia em muốn ly hôn vợ em nhưng vợ em không đưa giấy đăng ký kết hôn cho em thì em phải làm sao ạ, em và vợ em có thiếu nợ mẹ ruột em số tiền 300 triệu để làm nhà và những khoản nợ mà em không biết mà vợ em vay mượn bên ngoài mà còn bắt em phải trả thì em phải làm sao ạ, em bảo ly hôn thì cô ấy bảo em viết đơn nhưng cô ấy không đưa bất kỳ giấy tờ gì có liên quan đến thì em phải làm sao ạ? Mong nhận được tư vấn của Ban biên tập Thư Ký Luật. Chân thành cảm ơn!

Tại Khoản 1 Điều 51 Luật hôn nhân và gia đình 2014 có quy định về quyền ly hôn như sau: "Vợ, chồng hoặc cả hai người có quyền yêu cầu Tòa án giải quyết ly hôn". Căn cứ vào quy định này thì vợ, chồng hoặc cả vợ và chồng đều có quyền yêu cầu Tòa án giải quyết ly hôn.

Tại Điều 56 Luật hôn nhân và gia đình 2014 quy định về ly hôn theo yêu cầu của một bên như sau:

"Điều 56. Ly hôn theo yêu cầu của một bên

1. Khi vợ hoặc chồng yêu cầu ly hôn mà hòa giải tại Tòa án không thành thì Tòa án giải quyết cho ly hôn nếu có căn cứ về việc vợ, chồng có hành vi bạo lực gia đình hoặc vi phạm nghiêm trọng quyền, nghĩa vụ của vợ, chồng làm cho hôn nhân lâm vào tình trạng trầm trọng, đời sống chung không thể kéo dài, mục đích của hôn nhân không đạt được.

2. Trong trường hợp vợ hoặc chồng của người bị Tòa án tuyên bố mất tích yêu cầu ly hôn thì Tòa án giải quyết cho ly hôn.

3. Trong trường hợp có yêu cầu ly hôn theo quy định tại khoản 2 Điều 51 của Luật này thì Tòa án giải quyết cho ly hôn nếu có căn cứ về việc chồng, vợ có hành vi bạo lực gia đình làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến tính mạng, sức khỏe, tinh thần của người kia".

Hồ sơ để bạn tiến hành ly hôn như sau:

+ Đơn khởi kiện về đơn phương ly hôn (ly hôn đơn phương);

+ Đơn xin công nhận thuận tình ly hôn (ly hôn thuận tình);

+ Giấy chứng nhận đăng ký kết hôn (bản chính);

+ Giấy đăng ký khai sinh của con (nếu có);

+ Giấy chứng minh thư nhân dân (bản sảo có công chứng, chứng thực);

+ Sổ hộ khẩu gia đình (bản sao có công chứng, chứng thực);

Hồ sơ này bạn gửi tới Tòa án nhân dân quận/huyện nơi vợ  bạn có đăng ký hộ khẩu thường trú/ tạm trú đối với trường hợp ly hôn đơn phương. Đối với thuận tình ly hôn, hai vợ chồng có thể thỏa thuận Tòa án để giải quyết, có thể là Tòa án nơi vợ hoặc chồng cư trú.

Về nguyên tắc, nếu đủ những giấy tờ trên Tòa án sẽ thụ lí hồ sơ. Trong trường hợp không có đủ những giấy tờ trên, bạn vẫn có thể nộp đơn ly hôn. Bạn có thể đến cơ quan đăng kí kết hôn, cơ quan đăng kí hộ khẩu (UBND xã, phường) để xin cấp bản sao các giấy tờ, ngoài ra trình bày rõ với Tòa án lí do tại sao không thể có bản chính.

Nếu bạn vẫn không thể xin được giấy tờ cần thiết thì bạn có tường trình về hoàn cảnh thực tế của mình không thể có các giấy tờ trên trước Tòa án và yêu cầu Tòa án tiến hành thu thập các giấy tờ đó. Khoản 2 Điều 106 Bộ luật tố tụng dân sự 2015 quy định như sau:

“2. Trường hợp đương sự đã áp dụng các biện pháp cần thiết để thu thập tài liệu, chứng cứ mà vẫn không thể tự mình thu thập được thì có thể đề nghị Tòa án ra quyết định yêu cầu cơ quan, tổ chức, cá nhân đang lưu giữ, quản lý tài liệu, chứng cứ cung cấp cho mình hoặc đề nghị Tòa án tiến hành thu thập tài liệu, chứng cứ nhằm bảo đảm cho việc giải quyết vụ việc dân sự đúng đắn.

Đương sự yêu cầu Tòa án thu thập tài liệu, chứng cứ phải làm đơn ghi rõ vấn đề cần chứng minh; tài liệu, chứng cứ cần thu thập; lý do mình không tự thu thập được; họ, tên, địa chỉ của cá nhân, tên, địa chỉ của cơ quan, tổ chức đang quản lý, lưu giữ tài liệu, chứng cứ cần thu thập”.

Về thời hạn giải quyết ly hôn:

Đối với thuận tình ly hôn thì thời gian giải quyết từ 20 đến 40 ngày. Theo quy định tại Điều 203 Bộ luật tố tụng dân sự 2015 thì thời hạn giải quyết đối với ly hôn đơn phương là 04 tháng đến 06 tháng.

Trên đây là tư vấn của Ban biên tập Thư Ký Luật về hồ sơ, thủ tục yêu cầu giải quyết ly hôn theo quy định hiện hành. Bạn nên tham khảo chi tiết Luật hôn nhân và gia đình 2014 để nắm rõ quy định này.

Trân trọng!

Đi đến trang Tìm kiếm nội dung Tư vấn pháp luật - Thủ tục ly hôn

Thư Viện Pháp Luật

lượt xem
Thông báo
Bạn không có thông báo nào