Đang có vợ hoặc đang có chồng mà chung sống với người khác bị xử lý thế nào?

Đang có vợ hoặc đang có chồng mà chung sống với người khác bị xử lý thế nào? Năm 2013 vợ chồng tôi làm đám cưới, có đăng ký kết hôn tại UBND xã nơi vợ chồng tôi đăng ký thường trú. Nay do mâu thuẫn vợ chồng không giải quyết được, chúng tôi quyết định ly hôn. Tuy nhiên giữa chúng tôi chưa tiến hành bất cứ thủ tục pháp lý nào về việc ly hôn thì cách đây 2 tháng chồng tôi có ngoại tình với một cô gái gần nơi chồng tôi làm việc, cô gái này chưa đủ 18 tuổi, đến Tết nguyên đán này mới 18 tuổi (tôi không biết chính xác là bước sang tuổi 18 hay đủ 18 tuổi). Hiện tại họ thường xuyên chở nhau đi chơi, chồng tôi có về nhà cô gái đó để ở lại đó. Về phía cô gái đó, cô ấy biết rõ vợ chồng tôi chưa ly hôn nhưng vẫn duy trì mối quan hệ vợ chồng với chồng tôi. Chồng tôi hiện làm việc xa nhà, anh liên tục gọi cho tôi để mua đơn hộ cho anh. Vậy luật sư cho tôi hỏi, trong trường hợp này tôi đứng đơn thì gặp những bất lợi gì và có những quyền lợi gì. Và nếu tôi kiện chồng tôi về việc ngoại tình thì sẽ có những quyền lợi và bất lợi gì. Hiện tại chúng tôi không có tài sản chung, thuê nhà ở, cũng chưa có con chung. Chồng tôi rất nóng tính, có thể cay cú sẵn sàng giết vợ vì tôi bị anh ấy đe dọa nhiều lần rồi. Mong nhận được tư vấn của Ban biên tập Thư Ký Luật. Chân thành cảm ơn!

Theo quy định tại Điều 51 Luật hôn nhân và gia đình 2014 về quyền yêu cầu giải quyết ly hôn:

"1. Vợ, chồng hoặc cả hai người có quyền yêu cầu Tòa án giải quyết ly hôn.

2. Cha, mẹ, người thân thích khác có quyền yêu cầu Tòa án giải quyết ly hôn khi một bên vợ, chồng do bị bệnh tâm thần hoặc mắc bệnh khác mà không thể nhận thức, làm chủ được hành vi của mình, đồng thời là nạn nhân của bạo lực gia đình do chồng, vợ của họ gây ra làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến tính mạng, sức khỏe, tinh thần của họ.

3. Chồng không có quyền yêu cầu ly hôn trong trường hợp vợ đang có thai, sinh con hoặc đang nuôi con dưới 12 tháng tuổi."

Có thể thấy, bạn và chồng bạn đều có quyền yêu cầu giải quyết vấn đề ly hôn chứ không nhất thiết việc bạn phải đứng tên trong đơn xin ly hôn. Bạn đứng tên hay không cũng sẽ không ảnh hưởng gì đến quyền và nghĩa vụ của bạn. Nếu là khởi kiện đơn phương ly hôn mà bạn là người khởi kiện thì bạn có nghĩa vụ chuẩn bị hồ sơ khởi kiện và phải tạm ứng án phí. Ngoài ra, nếu chồng bạn có hành vi ngoại tình khi vẫn đang trong thời kì hôn nhân với bạn, cụ thể là hành vi sống chung với người khác thì việc bạn khởi kiện ly hôn thì đây sẽ được coi là căn cứ để Tòa có thể giải quyết việc ly hôn của bạn. Hoặc chồng bạn có thể bị xử phạt hành chính theo quy định tại Điều 48 Nghị định 110/2013/NĐ-CP:

Phạt tiền từ 1.000.000 đồng đến 3.000.000 đồng đối với một trong các hành vi sau:

a) Đang có vợ hoặc đang có chồng mà kết hôn với người khác, chưa có vợ hoặc chưa có chồng mà kết hôn với người mà mình biết rõ là đang có chồng hoặc đang có vợ;

b) Đang có vợ hoặc đang có chồng mà chung sống như vợ chồng với người khác;

c) Chưa có vợ hoặc chưa có chồng mà chung sống như vợ chồng với người mà mình biết rõ là đang có chồng hoặc đang có vợ.

Hoặc có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo quy định tại Điều 147 Bộ luật hình sự 1999 về tội vi phạm chế độ một vợ một chồng:

"1. Người nào đang có vợ, có chồng mà kết hôn hoặc chung sống như vợ chồng với người khác hoặc người chưa có vợ, chưa có chồng mà kết hôn hoặc chung sống như vợ chồng với người mà mình biết rõ là đang có chồng, có vợ gây hậu quả nghiêm trọng hoặc đã bị xử phạt hành chính về hành vi này mà còn vi phạm, thì bị phạt cảnh cáo, cải tạo không giam giữ đến một năm hoặc phạt tù từ ba tháng đến một năm.

2. Phạm tội trong trường hợp đã có quyết định của Toà án tiêu huỷ việc kết hôn hoặc buộc phải chấm dứt việc chung sống như vợ chồng trái với chế độ một vợ, một chồng mà vẫn duy trì quan hệ đó, thì bị phạt tù từ sáu tháng đến ba năm."

Trên đây là tư vấn của Ban biên tập Thư Ký Luật về việc xử lý khi đang có vợ hoặc đang có chồng mà chung sống với người khác. Bạn nên tham khảo chi tiết Luật hôn nhân và gia đình 2014 để nắm rõ quy định này.

Trân trọng!

Thư Viện Pháp Luật

lượt xem
Thông báo
Bạn không có thông báo nào