Chậm trả lương cho người lao động là vi phạm pháp luật
Về nguyên tắc trả lương, tại Điều 96 Bộ luật lao động 2012 có quy định:
“Điều 96. Nguyên tắc trả lương
Người lao động được trả lương trực tiếp, đầy đủ và đúng thời hạn. Trường hợp đặc biệt không thể trả lương đúng thời hạn thì không được chậm quá 01 tháng và người sử dụng lao động phải trả thêm cho người lao động một khoản tiền ít nhất bằng lãi suất huy động tiền gửi do Ngân hàng Nhà nước Việt Nam công bố tại thời điểm trả lương.”
Căn cứ vào quy đinh trên có thể thấy, nghĩa vụ của người sử dụng lao động là phải trả lương trực tiếp, đầy đủ và đúng thời hạn cho người lao động. Nếu người sử dụng lao động chậm trả lương vì có lý do đặc biệt thì cũng không được chậm quá 01 tháng và phải có sự bồi thường thỏa đáng cho người lao động vì sự chậm trễ đó.
Trong trường hợp này, phía công ty đã chậm trả lương cho người lao động tới hơn 06 tháng, điều này đã vi phạm nghiêm trọng pháp luật lao động và người sử dụng lao động sẽ phải chịu trách nhiệm về hành vi vi phạm của mình.
Người sử dụng lao động là công ty trực tiếp ký hợp đồng lao động với bạn. Bạn cần xác định rõ là tổng công ty hay công ty cổ phần nơi bạn đang làm việc để đưa ra yêu cầu về việc trả lương đúng quy định pháp luật.
Nếu công ty không trả lương cho bạn trong vòng 6 tháng, bạn có thể tiến hành trao đổi thương lượng với phía công ty thông qua việc gửi đơn kiến nghị yêu cầu công đoàn tại công ty hoặc tổng công ty, yêu cầu công đoàn đưa ra ý kiến, tổ chức họp đề hòa giải tại cơ sở (nếu công ty có công đoàn). Hoặc tiếp tục gửi đơn kiến nghị lên tổng công ty yêu cầu tổng công ty có biện pháp giải quyết thỏa đáng vấn đề tiền lương người lao động.
Trong trường hợp công ty vẫn không giải quyết, bạn có thể tiến hành giải quyết tại hòa giải viên lao động và Tòa án như sau:
Bước 1: Thông qua thủ tục hòa giải của hòa giải viên lao động trước khi yêu cầu Tòa án giải quyết, tranh chấp lao động của bạn thuộc trường hợp tranh chấp về lương nên bắt buộc phải thực hiện hòa giải trước khi nộp đơn lên Tòa án.
Nộp hồ sơ tại Phòng Lao động thương binh xã hội của UBND Quận/Huyện nơi công ty có trụ sở. Trong thời hạn 05 ngày làm việc, hòa giải viên lao động mời các bên tham gia hòa giài. Tại phiên họp hoà giải phải có mặt hai bên tranh chấp. Các bên tranh chấp có thể uỷ quyền cho người khác tham gia phiên họp hoà giải. Hoà giải viên lao động có trách nhiệm hướng dẫn các bên thương lượng. Trường hợp hai bên thỏa thuận được, hòa giải viên lao động lập biên bản hòa giải thành.
Trường hợp hai bên không thỏa thuận được, hòa giải viên lao động đưa ra phương án hoà giải để hai bên xem xét. Trường hợp hai bên chấp nhận phương án hoà giải, hoà giải viên lao động lập biên bản hoà giải thành.
Trường hợp hai bên không chấp nhận phương án hoà giải hoặc một bên tranh chấp đã được triệu tập hợp lệ đến lần thứ hai mà vẫn vắng mặt không có lý do chính đáng, thì hoà giải viên lao động lập biên bản hoà giải không thành.
Bước 2: Trong trường hợp hoà giải không thành hoặc một trong hai bên không thực hiện các thỏa thuận trong biên bản hòa giải thành hoặc hết thời hạn giải quyết mà hoà giải viên lao động không tiến hành hoà giải thì mỗi bên tranh chấp có quyền yêu cầu Toà án giải quyết.
Về thời hiệu:
Theo quy định tại Điều 202 – Bộ Luật lao động:
Thời hiệu yêu cầu hòa giải viên lao động thực hiện hòa giải tranh chấp lao động cá nhân là 06 tháng, kể từ ngày phát hiện ra hành vi mà mỗi bên tranh chấp cho rằng quyền, lợi ích hợp pháp của mình bị vi phạm.
Thời hiệu yêu cầu Toà án giải quyết tranh chấp lao động cá nhân là 01 năm, kể từ ngày phát hiện ra hành vi mà mỗi bên tranh chấp cho rằng quyền, lợi ích hợp pháp của mình bị vi phạm.
Bạn nên lưu ý đối với những người đã nghỉ việc nếu sau khi nghỉ việc 06 tháng vẫn không tiến hành yêu cầu hòa giải viên thực hiện hòa giải tranh chấp lao động sẽ hết thời hiệu yêu cầu hòa giải. Đối với tranh chấp lao động, pháp luật lao động cho phép nhiều người lao động có thể ủy quyền cho một người để viết đơn kiến nghị, tiến hành các thủ tục hòa giải hoặc khởi kiện ra Tòa án để bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của những người lao động.
Thư Viện Pháp Luật