Quy định về thời hạn tạm giam đối với tội làm giả con dấu giấy tờ
Căn cứ Điều 267 Bộ luật hình sự 1999 quy định về tội làm giả con dấu, tài liệu của cơ quan, tổ chức như sau:
1. Người nào làm giả con dấu, tài liệu hoặc giấy tờ khác của cơ quan, tổ chức hoặc sử dụng con dấu, tài liệu, giấy tờ đó nhằm lừa dối cơ quan, tổ chức hoặc công dân, thì bị phạt tiền từ năm triệu đồng đến năm mươi triệu đồng hoặc bị phạt tù từ sáu tháng đến ba năm.
2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ hai năm đến năm năm:
a) Có tổ chức;
b) Phạm tội nhiều lần;
c) Gây hậu quả nghiêm trọng;
d) Tái phạm nguy hiểm.
3. Phạm tội gây hậu quả rất nghiêm trọng hoặc đặc biệt nghiêm trọng, thì bị phạt tù từ bốn năm đến bảy năm.
4. Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ năm triệu đồng đến năm mươi triệu đồng.
Căn cứ Khoản 3 Điều 8 Bộ luật hình sự 1999 quy định về khái niệm tội phạm như sau: Tội phạm ít nghiêm trọng là tội phạm gây nguy hại không lớn cho xã hội mà mức cao nhất của khung hình phạt đối với tội ấy là đến ba năm tù; tội phạm nghiêm trọng là tội phạm gây nguy hại lớn cho xã hội mà mức cao nhất của khung hình phạt đối với tội ấy là đến bảy năm tù; tội phạm rất nghiêm trọng là tội phạm gây nguy hại rất lớn cho xã hội mà mức cao nhất của khung hình phạt đối với tội ấy là đến mười lăm năm tù; tội phạm đặc biệt nghiêm trọng là tội phạm gây nguy hại đặc biệt lớn cho xã hội mà mức cao nhất của khung hình phạt đối với tội ấy là trên mười lăm năm tù, tù chung thân hoặc tử hình.
Trong trường hợp câu hỏi của bạn, bố bạn bị khởi tố với khung hình phạt tại Khoản 2 Điều 267 Bộ luật hình sự năm 1999 về tội làm giả con dấu, tài liệu của cơ quan, tổ chức thì mức phạt tù cao nhất là năm năm. Căn cứ vào Khoản 3 Điều 8 Bộ luật hình sự 1999 thì đối với tội phạm có mức phạt tù năm năm thì thuộc loại tội phạm nghiêm trọng.
Căn cứ Khoản 1 Khoản 2 Điều 120 Bộ luật tố tụng hình sự 2003 quy định về thời hạn tạm giam để điều tra như sau:
1. Thời hạn tạm giam bị can để điều tra không quá hai tháng đối với tội phạm ít nghiêm trọng, không quá ba tháng đối với tội phạm nghiêm trọng, không quá bốn tháng đối với tội phạm rất nghiêm trọng và tội phạm đặc biệt nghiêm trọng.
2. Trong trường hợp vụ án có nhiều tình tiết phức tạp, xét cần phải có thời gian dài hơn cho việc điều tra và không có căn cứ để thay đổi hoặc huỷ bỏ biện pháp tạm giam thì chậm nhất là mười ngày trước khi hết hạn tạm giam, Cơ quan điều tra phải có văn bản đề nghị Viện kiểm sát gia hạn tạm giam.
Việc gia hạn tạm giam được quy định như sau:
a) Đối với tội phạm ít nghiêm trọng có thể được gia hạn tạm giam một lần không quá một tháng;
b) Đối với tội phạm nghiêm trọng có thể được gia hạn tạm giam hai lần, lần thứ nhất không quá hai tháng và lần thứ hai không quá một tháng;
c) Đối với tội phạm rất nghiêm trọng có thể được gia hạn tạm giam hai lần, lần thứ nhất không quá ba tháng, lần thứ hai không quá hai tháng;
d) Đối với tội phạm đặc biệt nghiêm trọng có thể được gia hạn tạm giam ba lần, mỗi lần không quá bốn tháng.
Đối với tội phạm nghiêm trọng, thời hạn tạm giam là không quá ba tháng, trong trường hợp có nhiều tình tiết phức tạp thì có thể gia hạn tạm giam hai lần, lần thứ nhất không quá hai tháng và lần thứ hai không quá một tháng. Như vậy, thời hạn tối đa tạm giam để điều tra đối với tội phạm nghiêm trọng là không quá sáu tháng.
Như vậy, bố bạn bị tạm giam từ 22/1/2015 đến 5/1/2016 mới đưa ra xét xử sơ thẩm là đã quá thời hạn tối đa tạm giam để điều tra đối với tội phạm nghiêm trọng. Trong trường hợp bố bạn bị tạm giam quá lâu như vậy thì bạn có quyền khiếu nại về hành vi tạm giam quá thời hạn của cơ quan điều tra.
Trên đây là tư vấn của Ban biên tập Thư Ký Luật về thời hạn tạm giam đối với tội làm giả con dấu giấy tờ. Bạn nên tham khảo chi tiết Bộ luật hình sự 1999 để nắm rõ quy định này.
Trân trọng!
Thư Viện Pháp Luật