Tội vi phạm quy định điều khiển phương tiện giao thông đường bộ bị xử lý thế nào?

Tội vi phạm quy định điều khiển phương tiện giao thông đường bộ bị xử lý thế nào? Vào hồi 12 giờ 30 phút ngày 15/12/2011 tại Cầu Thường Thắng, tỉnh lộ 296, xã Thường Thắng, huyện Hiệp Hòa, tỉnh Bắc Giang có vụ tai nạn dẫn đến xô xát giữa chị Nguyễn Thị Minh H, lái xe ô tô và một nhóm thanh niên đi xe máy đón dâu. Nhóm thanh niên đã chặn xe, chém đứt quai xách của lái xe để dọa nạt, tấn công…Thấy sự bất bình, anh M đang ở nhà chạy ra bênh vực. Anh M bị đám côn đồ chém nhiều nhát vào cằm, đầu, mặt…làm anh ngã ra đường. Sau khi ngã xuống anh M bị một chiếc xe ôtô khác đang lưu thông trên đường do tài xế T điều khiển chèn qua ngực và chết trên đường đi cấp cứu. Qua điều tra xác minh, T vừa tham dự đám cưới và có uống vài ly bia, nhưng nồng độ cồn không đáng kể. Theo luật sư, người tài xế sẽ bị phạt như thế nào? Có bị truy trách nhiệm hình sự theo Khoản 2 Điều 202 Bộ luật hình sự 1999 sửa đổi, bổ sung 2009 hay phải bồi thường không? Mong nhận được tư vấn của Ban biên tập Thư Ký Luật. Chân thành cảm ơn!

Điều 8 Luật Giao thông đường bộ 2008 quy định các hành vi bị nghiêm cấm như sau: Điều khiển xe ô tô, máy kéo, xe máy chuyên dùng trên đường mà trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn.

Điều 202 Bộ luật hình sự 1999 quy định Tội vi phạm quy định về điều khiển phương tiện giao thông đường bộ như sau:

1. Người nào điều khiển phương tiện giao thông đường bộ mà vi phạm quy định về an toàn giao thông đường bộ gây thiệt hại cho tính mạng hoặc gây thiệt hại nghiêm trọng cho sức khoẻ, tài sản của người khác, thì bị phạt tiền từ năm triệu đồng đến năm mươi triệu đồng, cải tạo không giam giữ đến ba năm hoặc phạt tù từ  sáu tháng đến năm năm.

2. Phạm tội  thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ ba năm đến mười năm:

a) Không có giấy phép hoặc bằng lái xe theo quy định;

b) Trong tình trạng có sử dụng rượu, bia mà trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn vượt quá mức quy định hoặc có sử dụng các chất kích thích mạnh khác mà pháp luật cấm sử dụng;

c) Gây tai nạn rồi bỏ chạy để trốn tránh trách nhiệm hoặc cố ý không cứu giúp người bị nạn;

d) Không chấp hành hiệu lệnh của người đang làm nhiệm vụ điều khiển hoặc hướng dẫn  giao thông;

đ) Gây hậu quả rất nghiêm trọng.

3. Phạm tội gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng thì bị phạt tù từ bảy năm đến mười lăm năm.

4. Vi phạm quy định về an toàn giao thông đường bộ mà có khả năng thực tế dẫn đến hậu quả đặc biệt nghiêm trọng nếu không được ngăn chặn kịp thời, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến một năm hoặc phạt tù từ ba tháng đến hai năm.

5. Người phạm tội còn có thể bị cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ một năm đến năm năm.

Theo thông tin bạn cung cấp, chị H và một nhóm thanh niên có xảy ra xô xát với nhau, sau đó anh M có chạy ra bệnh vực, sau đó anh M bị chém nhiều nhát vào cằm, đầu và mặt làm anh ngã lăn ra đường, khi ngã ra đường anh bị một chiếc ô tô khác do anh T lưu thông trên đường đâm chèn qua ngực và chết trên đường đi cấp cứu; trong khi lái xe, tài xế T có uống rượu.

Theo quy định Luật giao thông đường bộ 2008 thì việc điều khiển xe ô tô trong hơi thở hoặc trong máu có nồng độ cồn là hành vi vi phạm pháp luật. Nếu việc gây ra thiệt hại cho tính mạng anh M là do lỗi của T thì anh T có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự Tội vi phạm quy định về điều khiển phương tiện giao thông đường bộ theo quy định trên.

Về trách nhiệm bồi thường thiệt hại: Điều 604 Bộ luật dân sự 2005 quy định Căn cứ phát sinh trách nhiệm bồi thường thiệt hại như sau:

"1. Người nào do lỗi cố ý hoặc lỗi vô ý xâm phạm tính mạng, sức khoẻ, danh dự, nhân phẩm, uy tín, tài sản, quyền, lợi ích hợp pháp khác của cá nhân, xâm phạm danh dự, uy tín, tài sản của pháp nhân hoặc chủ thể khác mà gây thiệt hại thì phải bồi thường.

2. Trong trường hợp pháp luật quy định người gây thiệt hại phải bồi thường cả trong trường hợp không có lỗi thì áp dụng quy định đó."

Do đó, nếu lỗi gây ra thiệt hại cho anh M là anh T thì anh T có trách nhiệm bồi thường thiệt hại cho anh M theo quy định tại Điều 610 Bộ luật dân sự 2005 như sau:

"Điều 610. Thiệt hại do tính mạng bị xâm phạm

1. Thiệt hại do tính mạng bị xâm phạm bao gồm:

a) Chi phí hợp lý cho việc cứu chữa, bồi dưỡng, chăm sóc người bị thiệt hại trước khi chết;

b) Chi phí hợp lý cho việc mai táng;

c) Tiền cấp dưỡng cho những người mà người bị thiệt hại có nghĩa vụ cấp dưỡng.

2. Người xâm phạm tính mạng của người khác phải bồi thường thiệt hại theo quy định tại khoản 1 Điều này và một khoản tiền khác để bù đắp tổn thất về tinh thần cho những người thân thích thuộc hàng thừa kế thứ nhất của người bị thiệt hại, nếu không có những người này thì người mà người bị thiệt hại đã trực tiếp nuôi dưỡng, người đã trực tiếp nuôi dưỡng người bị thiệt hại được hưởng khoản tiền này. Mức bồi thường bù đắp tổn thất về tinh thần do các bên thoả thuận; nếu không thoả thuận được thì mức tối đa không quá sáu mươi tháng lương tối thiểu do Nhà nước quy định."

Trên đây là tư vấn của Ban biên tập Thư Ký Luật về xử lý tội vi phạm quy định điều khiển phương tiện giao thông đường bộ. Bạn nên tham khảo chi tiết Bộ luật hình sự 1999 để nắm rõ quy định này.

Trân trọng!

Thư Viện Pháp Luật

lượt xem
Thông báo
Bạn không có thông báo nào