Phải làm gì khi chồng không thừa nhận con khi ly hôn
Theo quy định tại Điều 88 Luật Hôn nhân và Gia đình 2014 thì: Con sinh ra trong thời kỳ hôn nhân hoặc do người vợ có thai trong thời kỳ hôn nhân là con chung của vợ chồng. Con được sinh ra trong thời hạn 300 ngày kể từ thời điểm chấm dứt hôn nhân được coi là con do người vợ có thai trong thời kỳ hôn nhân.
Con sinh ra trước ngày đăng ký kết hôn và được cha mẹ thừa nhận là con chung của vợ chồng. Trong trường hợp cha, mẹ không thừa nhận con thì phải có chứng cứ và phải được Tòa án xác định.
Đồng thời, tại khoản 1 Điều 81 và khoản 2 Điều 82 của Luật này cũng quy định: Sau khi ly hôn, cha mẹ vẫn có quyền, nghĩa vụ trông nom, chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục con chưa thành niên, con đã thành niên mất năng lực hành vi dân sự hoặc không có khả năng lao động và không có tài sản để tự nuôi mình theo quy định của Luật này, Bộ luật Dân sự và các luật khác có liên quan.
Cha, mẹ không trực tiếp nuôi con có nghĩa vụ cấp dưỡng cho con. Như vậy, về nguyên tắc con sinh ra trong thời kỳ hôn nhân là con chung của vợ chồng; trong trường hợp người chồng không nhận đứa trẻ là con thì phải có chứng cứ để chứng minh và phải được Tòa án có thẩm quyền xác định bằng một quyết định hoặc bản án.
Do đó, nếu chồng chị không đưa ra được chứng cứ chứng minh thì sau khi ly hôn, nếu chồng chị không trực tiếp nuôi con phải có nghĩa vụ cấp dưỡng nuôi con; mức cấp dưỡng do hai bên tự thỏa thuận hoặc theo quyết định của Tòa án khi giải quyết ly hôn.
Việc từ chối nghĩa vụ cấp dưỡng nuôi con nếu không có lý do chính đáng (được Tòa án xác định đứa trẻ không phải là con chung; không có thu nhập để cấp dưỡng…) thì sẽ không được Tòa án chấp nhận.
Thư Viện Pháp Luật