Lấy chồng Tây không đăng ký, khi chia tay ai được quyền nuôi con?
Bạn và chồng bạn – là người nước ngoài sống chung với nhau nhưng mà không đăng ký kết hôn. Theo thông tin bạn cung cấp, chúng tôi chưa thể xác định quan hệ hôn nhân của bạn phát sinh tại quốc gia nào, tại Việt Nam hay tại nước ngoài; con gái hai bạn sinh ra ở đâu, khai sinh và mang quốc tịch nước nào; chồng bạn đòi kiện ra tòa đòi quyền nuôi con là tòa án của quốc gia nào; chính vì vậy chưa thể kết luận việc ly hôn và giành quyền nuôi con của hai bạn sẽ áp dụng pháp luật nước nào.
Nếu chồng bạn đòi kiện ra Tòa án nhân dân của Việt Nam và được thụ lý đơn thì vụ việc ly hôn, đòi quyền nuôi con của hai bạn sẽ áp dụng pháp luật Việt Nam để giải quyết. Trong trường hợp đó, theo quy định tại Điều 130 Luật Hôn nhân và Gia đình năm 2014 về quan hệ nam, nữ chung sống với nhau như vợ chồng mà không đăng ký kết hôn có yếu tố nước ngoài thì cơ quan có thẩm quyền của Việt Nam áp dụng các quy định của Luật Hôn nhân và Gia đình năm 2014.
Theo Khoản 2 Điều 68 Luật Hôn nhân và Gia đình năm 2014 quy định: “Con sinh ra không phụ thuộc vào tình trạng hôn nhân của cha mẹ đều có quyền và nghĩa vụ như nhau đối với cha mẹ của mình được quy định tại Luật này, Bộ luật dân sự và các luật khác có liên quan”.
Trường hợp bạn không đăng ký kết hôn mà có con 3 tuổi thì quyền nuôi con sẽ giải quyết theo Khoản 2 Điều 81 Luật Hôn nhân và Gia đình 2014 về việc trông nom, chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục con sau khi ly hôn. Theo đó, vợ, chồng thỏa thuận về người trực tiếp nuôi con, nghĩa vụ, quyền của mỗi bên sau khi ly hôn đối với con; trường hợp không thỏa thuận được thì Tòa án quyết định giao con cho một bên trực tiếp nuôi căn cứ vào quyền lợi về mọi mặt của con; nếu con từ đủ 7 tuổi trở lên thì phải xem xét nguyện vọng của con.
Như vậy, để có thể được nuôi con, bạn chứng minh được khả năng nuôi con của mình cũng như khả năng của bạn có thể đảm bảo các quyền lợi về mọi mặt cho con về vật chất lẫn tinh thần. Cụ thể như sau:
- Các yếu tố vật chất: Điều kiện kinh tế, thu nhập, công việc, gia cảnh, tài sản...
- Các yếu tố tinh thần: Thời gian chăm sóc, dạy dỗ, giáo dục, tình cảm, điều kiện cho con vui chơi, giải trí,…
Ngoài ra, nếu như trong trường hợp chồng của bạn có những thói quen xấu ảnh hưởng đến sự phát triển của con bạn như nghiện rượu bia, thuốc lá, không dành tình cảm cho con, hay đánh đập, có tiền sử bạo hành, có tiền án, tiền sự, hoặc có mối quan hệ ngoài luồng bên ngoài mà bạn chứng minh được thì có thể coi đây là điểm có lợi cho bạn trong việc giành quyền nuôi con của mình./.
Thư Viện Pháp Luật