Huỷ hoại tài sản phải chịu trách nhiệm dân sự hay hình sự?
Theo Khoản 1 Điều 604 và Jhoản 1 Điều 605 Bộ luật Dân sự năm 2005 thì người nào do lỗi cố ý hoặc lỗi vô ý xâm phạm tính mạng, sức khoẻ, danh dự, nhân phẩm, uy tín, tài sản, quyền, lợi ích hợp pháp khác của cá nhân, xâm phạm danh dự, uy tín, tài sản của pháp nhân hoặc chủ thể khác mà gây thiệt hại thì phải bồi thường. Thiệt hại phải được bồi thường nhanh chóng và kịp thời, có thể bằng tiền, hiện vật hoặc thực hiện một công việc.
Như vậy, việc người dân trong thôn xóm tụ tập đến tháo dỡ đập phá các thùng ong của gia đình nhà bạn là căn cứ phát sinh trách nhiệm bồi thường thiệt hại.
Nếu việc thoả thuận mức bồi thường không hợp lý thì gia đình bạn có thể dựa vào mức độ thiệt hại mà hành vi đập phá của người dân gây ra để định mức bồi thường.
Ngoài ra, theo Điểm a Khoản 2 Điều 15 Nghị định 167/2013/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực an ninh, trật tự, an toàn xã hội; phòng, chống tệ nạn xã hội; phòng cháy và chữa cháy; phòng, chống bạo lực gia đình thì hành vi tháo dỡ đập phá các thùng ong sẽ bị phạt tiền từ 2.000.000 đến 5.000.000 đồng.
Ngoài ra, nếu hành vi “tháo dỡ đập phá” các thùng ong của người dân trong thôn xóm gây thiệt hại trên 500.000 đồng hoặc dưới 500.000 đồng nhưng gây hậu quả nghiêm trọng thì hành vi trên có dấu hiệu của tội hủy hoại hoặc cố ý làm hư hỏng tài sản và có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo quy định tại Khoản 1 Điều 143 Bộ luật Hình sự năm 1999 (sửa đổi, bổ sung năm 2009).
Thư Viện Pháp Luật