Xử lý nhà thuộc quản lý Nhà nước bị bỏ không ra sao?
Việc sử dụng không đúng mục đích hoặc không sử dụng, bỏ hoang công trình của nhà nước là hành vi gây lãng phí tài sản công, vì vậy có thể sẽ bị thu hồi khu đất đó để tránh sự lãng phí cho nhà nước.
Công trình nhà nước bỏ hoang, không sử dụng, trong một số trường hợp nhất định nếu tài sản đó không được sử dụng hoặc sử dụng không đúng sẽ bị thu hồi. Theo quy định tại Điều 12 Nghị định 52/2009/NĐ-CP ngày 03 tháng 06 năm 2009 nếu như thuộc những trường hợp sau thì tài sản nhà nước bị thu hồi.
Điều 12. Các trường hợp thu hồi tài sản nhà nước
1. Tài sản nhà nước là trụ sở làm việc và tài sản khác gắn liền với đất bị bỏ trống hoặc không sử dụng quá 12 tháng; quyền sử dụng đất được giao để thực hiện dự án đầu tư xây dựng trụ sở làm việc mà tiến độ sử dụng đất bị chậm phải thu hồi theo quy định của pháp luật về đất đai và pháp luật về đầu tư, xây dựng.
2. Tài sản nhà nước đã trang bị cho các cơ quan nhà nước, cá nhân không đúng tiêu chuẩn, định mức; tài sản nhà nước bị sử dụng sai mục đích, vượt tiêu chuẩn, định mức, chế độ, cho thuê hoặc sử dụng để thực hiện các hoạt động kinh doanh khác.
3. Tài sản nhà nước đã trang bị cho cơ quan nhà nước quản lý, sử dụng mà cơ quan đó không còn nhu cầu sử dụng hoặc giảm nhu cầu sử dụng do thay đổi tổ chức hoặc thay đổi chức năng, nhiệm vụ và các nguyên nhân khác nhưng cơ quan được giao quản lý, sử dụng tài sản không đề nghị điều chuyển hoặc bán tài sản.
Và việc bỏ hoang công trình mà nhà nước xử lý là việc lãng phí quỹ đất. Theo nguyên tắc thực hành tiết kiệm, chống lãng phí thì việc tiết kiệm, chống lãng phí là nhiệm vụ thường xuyên từ chủ trương, đường lối, cơ chế chính sách đến tổ chức thực hiện gắn với kiểm tra, giám sát, thực hành tiết kiệm, chống lãng phí phải căn cứ vào định mức, tiêu chuẩn, chế độ và quy định khác của pháp luật.
Theo quy định tại Khoản 2 Điều 42 Luật Thực hành tiết kiệm, chống lãng phí năm 2013 thì “Khi có các công trình được sử dụng làm cơ sở hoạt động sự nghiệp thuộc quản lý của nhà nước mà không sử dụng hoặc sử dụng không đúng mục đích: Trụ sở làm việc sử dụng không đúng mục đích hoặc không sử dụng phải bị thu hồi và xử lý theo quy định của pháp luật về quản lý, sử dụng tài sản nhà nước và pháp luật về ngân sách nhà nước.”
Về hành vi của bảo vệ khu đó tự ý sử dụng mảnh đất trống của nhà nước không sử dụng để làm khu trông giữ xe thì tùy thuộc vào hợp đồng lao động giữa bảo vệ và cơ quan quản lý về việc có được phép sử dụng, tận dụng mảnh đất trống đó để trông giữ xe hay không hoặc xem xét việc bảo vệ thỏa thuận với cơ quan quản lý mảnh đất làm chỗ gửi xe không?
Nếu có thì hành vi sử dụng mảnh đất đó được sự cho phép của cơ quan quản lý thì bảo vệ đang thực hiện đúng trách nhiệm, nghĩa vụ theo thỏa thuận, hợp đồng lao động
Nếu hành vi sử dụng đó không được cho phép mà bảo vệ vẫn cố tình làm có thể sẽ bị xử lý kỷ luật lao động về hành vi thực hiện không đúng hợp đồng lao động.
Và cơ quan quản lý phải có trách nhiệm trong trường hợp này. Theo bạn chia sẻ thì cơ quan quản lý khu đất là cơ quan nhà nước – thuộc trường hợp không được sử dụng tài sản của nhà nước để kinh doanh thu lợi riêng cho cơ quan, đơn vị mình. Chính vì vậy, nếu cơ quan nhà nước cho phép và ký hợp đồng lao động thuê bảo vệ trông giữ xe đã vi phạm quy định của pháp luật về kinh doanh và phải dừng ngay việc kinh doanh trái phép này.
Thư Viện Pháp Luật