Xử lý hành vi vu khống, xúc phạm danh dự, nhân phẩm của người khác như thế nào?
Danh dự, nhân phẩm, uy tín của cá nhân là bất khả xâm phạm và được pháp luật bảo vệ. Đối với hành vi xâm phạm danh dự, nhân phẩm, uy tín của người khác thì phải chịu những trách nhiệm sau đây:
Trách nhiệm hành chính: Hành vi xúc phạm danh dự, nhân phẩm người khác sẽ bị xử phạt vi phạm hành chính theo Khoản 1 Điều 5 Nghị định 167/2013/NĐ-CP như sau:
1. Phạt cảnh cáo hoặc phạt tiền từ 100.000 đồng đến 300.000 đồng đối với một trong những hành vi sau đây:
a) Có cử chỉ, lời nói thô bạo, khiêu khích, trêu ghẹo, xúc phạm danh dự, nhân phẩm của người khác;
Trách nhiệm hình sự:
Tội làm nhục người khác quy định tại Điều 121 Bộ luật hình sự 1999:
1. Người nào xúc phạm nghiêm trọng nhân phẩm, danh dự của người khác, thì bị phạt cảnh cáo, cải tạo không giam giữ đến hai năm hoặc phạt tù từ ba tháng đến hai năm.
Nếu có hành vi bịa đặt, vu khống người khác thì có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo Điều 122 Bộ luật hình sự 1999:
1.Người nào bịa đặt, loan truyền những điều biết rõ là bịa đặt nhằm xúc phạm danh dự hoặc gây thiệt hại đến quyền, lợi ích hợp pháp của người khác hoặc bịa đặt là người khác phạm tội và tố cáo họ trước cơ quan có thẩm quyền, thì bị phạt cảnh cáo, cải tạo không giam giữ đến hai năm hoặc phạt tù từ ba tháng đến hai năm.
Trách nhiệm dân sự:
Việc xâm phạm danh dự, nhân phẩm, uy tín người khác sẽ phải chịu trách nhiệm bồi thường thiệt hại theo Khoản 1 Điều 584 Bộ luật dân sự 2015:
Người nào có hành vi xâm phạm tính mạng, sức khỏe, danh dự, nhân phẩm, uy tín, tài sản, quyền, lợi ích hợp pháp khác của người khác mà gây thiệt hại thì phải bồi thường, trừ trường hợp Bộ luật này, luật khác có liên quan quy định khác.
Mức bồi thường dựa trên các khoản chi phí theo Điều 592 Bộ luật dân sự 2015:
- Chi phí hợp lý để hạn chế, khắc phục thiệt hại;
- Thu nhập thực tế bị mất hoặc bị giảm sút;
- Thiệt hại khác do luật quy định.
- Một khoản tiền khác để bù đắp tổn thất về tinh thần mà người đó gánh chịu. Mức bồi thường bù đắp tổn thất về tinh thần do các bên thỏa thuận; nếu không thỏa thuận được thì mức tối đa cho một người có danh dự, nhân phẩm, uy tín bị xâm phạm không quá mười lần mức lương cơ sở do Nhà nước quy định.
Như vậy, nếu như đồng chí trong cuộc họp nói trên đưa ra những lời lẽ không có căn cứ, bằng chứng, chứng cứ thì hành vi hoàn toàn mang tính bịa đặt và xâm phạm đến danh dự, nhân phẩm, uy tín của bạn. Bạn có quyền khởi kiện để yêu cầu bồi thường thiệt hại và tùy từng mức độ thì bạn có quyền tố cáo đến cơ quan công an để xử lý hành chính hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự với hành vi nói trên. Do cơ quan bạn là cơ quan nhà nước nên bạn có quyền kiến nghị đến thủ trưởng đơn vị bạn để yêu cầu xác minh và giải quyết vụ việc cho bạn. Căn cứ chứng minh bạn cần có là lời làm chứng của những người làm chứng trong cuộc họp, biên bản làm việc, bản ghi âm, ghi hình (nếu có).
Trên đây là tư vấn của Ban biên tập Thư Ký Luật về xử lý hành vi vu khống, xúc phạm danh dự, nhân phẩm của người khác. Bạn nên tham khảo chi tiết Nghị định 167/2013/NĐ-CP để nắm rõ quy định này.
Trân trọng!
Thư Viện Pháp Luật