Tư vấn về phòng vệ chính đáng
Theo quy định tại khoản 1 Điều 15 Bộ luật hình sự (BLHS) thì “Phòng vệ chính đáng là hành vi của người vì bảo vệ lợi ích của Nhà nước, của tổ chức, bảo vệ quyền, lợi ích chính đáng của mình hoặc của người khác, mà chống trả lại một cách cần thiết người đang có hành vi xâm phạm các lợi ích nói trên. Phòng vệ chính đáng không phải là tội phạm”.
Bên cạnh đó, Nghị quyết số 02/HĐTP-TANDTC/QĐ ngày 5/1/1986 của Hội đồng thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao hướng dẫn áp dụng một số quy định của Bộ luật Hình sự cũng quy định việc phòng vệ chính đáng phải có đủ các điều kiện sau đây:
1. Hành vi xâm hại những lợi ích cần phải bảo vệ là hành vi phạm tội hoặc rõ ràng là có tính chất nguy hiểm cho xã hội.
2. Hành vi nguy hiểm cho xã hội đang gây thiệt hại hoặc đe dọa gây thiệt hại thực sự và ngay tức khắc cho những lợi ích cần phải bảo vệ.
3. Phòng vệ chính đáng không chỉ gạt bỏ sự đe dọa, đẩy lùi sự tấn công, mà còn có thể tích cực chống lại sự xâm hại, gây thiệt hại cho chính người xâm hại.
4. Hành vi phòng vệ phải tương xứng với hành vi xâm hại, tức là không có sự chênh lệch quá đáng giữa hành vi phòng vệ với tính chất và mức độ nguy hiểm của hành vi xâm hại. Tương xứng không có nghĩa là thiệt hại do người phòng vệ gây ra cho người xâm hại phải ngang bằng hoặc nhỏ hơn thiệt hại do người xâm hại đe dọa gây ra hoặc đã gây ra cho người phòng vệ.
Theo những quy định trên, trong trường hợp bạn bị người khác có hành vi cướp của, cố ý gây thương tích…, nếu hành vi này đang gây thiệt hại hoặc đe dọa gây thiệt hại trực tiếp cho bạn thì bạn có thể sử dụng quyền phòng vệ để chống lại sự xâm hại của người đó.
Đặc biệt, bạn phải chú ý là hành vi chống trả phải tương xứng với tính chất và mức độ xâm hại; cụ thể là phải chú ý đến cường độ của sự tấn công, vũ khí, phương tiện của người thực hiện hành vi xâm hại, hoàn cảnh cũng như địa điểm xảy ra sự việc… để có biện pháp và hành vi phòng vệ phù hợp, đúng pháp luật.
Trong trường hợp hành vi phòng vệ không tương xứng với hành vi xâm hại, tức là có sự chênh lệch quá đáng giữa hành vi phòng vệ với tính chất và mức độ nguy hiểm của hành vi xâm hại (ví dụ như chỉ bị một người dùng tay không tát hoặc đấm đá mà bạn dùng dao, súng tấn công người đó) thì hành vi phòng vệ rõ ràng là vượt quá giới hạn phòng vệ chính đáng vì không tương xứng với hành vi xâm hại. Trong trường hợp đó, khoản 2 Điều 15 BLHS đã quy định: “Vượt quá giới hạn phòng vệ chính đáng là hành vi chống trả rõ ràng quá mức cần thiết, không phù hợp với tính chất và mức độ nguy hiểm cho xã hội của hành vi xâm hại. Người có hành vi vượt quá giới hạn phòng vệ chính đáng phải chịu trách nhiệm hình sự”.
Tùy từng trường hợp cụ thể, người có hành vi vượt quá giới hạn phòng vệ chính đáng phải chịu trách nhiệm hình sự về tội giết người do vượt quá giới hạn phòng vệ chính đáng (Điều 95 BLHS) hoặc tội cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác do vượt quá giới hạn phòng vệ chính đáng (Điều 106 BLHS).
Trong thư bạn còn nêu tình huống bị người khác “cố ý lăng mạ, xúc phạm danh dự”. Trong trường hợp đó, nếu người có hành vi chống trả gây thiệt hại cho người có hành vi lăng mạ, xúc phạm danh dự thì tùy từng trường hợp cụ thể, người có hành vi chống trả có thể phải chịu trách nhiệm hình sự về tội giết người trong trạng thái tinh thần bị kích động mạnh (Điều 95 BLHS) hoặc tội cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác trong trạng thái tinh thần bị kích động mạnh (Điều 105 BLHS).
Thư Viện Pháp Luật