Các trường hợp từ chối tiến hành tố tụng?

Các trường hợp từ chối tiến hành tố tụng? Trong vụ án xin ly hôn năm 2009, khi đó Thẩm phán A tham gia giải quyết với tư cách là Thư ký tòa án; Đến 2013 người chồng khởi khiên tranh chấp tài sản sau ly hôn và thư ký (nay là Thẩm phán A) được phân công thụ lý giải quyết. Thẩm phán A đã tiến hành các hoạt động điều tra, xác minh thu thập chứng cứ để giải quyết vụ án. Sau khi gần hết thời hạn chuẩn bị xét xử và chưa có quyết định đưa vụ án ra xét xử, Thẩm phán A từ chối tiến hành tố tụng với lý do đã tham gia giải quyết vụ án xin ly hôn của 2 vợ chồng với tư cách là thư ký. Vậy xin hỏi những hoạt động thu thập chứng cứ, điều tra xác minh của Thẩm phán A có bị coi là vi phạm tố tụng không? Mong nhận được tư vấn của Ban biên tập Thư Ký Luật. Chân thành cảm ơn!

Căn cứ Điều 52 Bộ luật tố tụng dân sự 2015 xác định các trường hợp người tiến hành tố tụng phải từ chối tiến hành tố tụng hoặc bị thay đổi bao gồm:

- Họ đồng thời là đương sự, người đại diện, người thân thích của đương sự.

- Họ đã tham gia tố tụng với tư cách là người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của đương sự, người làm chứng, người giám định, người phiên dịch trong cùng vụ việc đó.

- Có căn cứ rõ ràng cho rằng họ có thể không vô tư trong khi làm nhiệm vụ.

Cụ thể, thẩm phán, hội thẩm nhân dân phải từ chối tiến hành tố tụng hoặc bị thay đổi trong những trường hợp theo Điều 53 Bộ luật tố tụng dân sự 2015 bao gồm:

- Thuộc một trong những trường hợp quy định tại Điều 52 của Bộ luật tố tụng dân sự 2015.

- Họ cùng trong một Hội đồng xét xử và là người thân thích với nhau; trong trường hợp này, chỉ có một người được tiến hành tố tụng.

- Họ đã tham gia giải quyết theo thủ tục sơ thẩm, phúc thẩm, giám đốc thẩm hoặc tái thẩm vụ việc dân sự đó và đã ra bản án sơ thẩm, bản án, quyết định phúc thẩm, quyết định giám đốc thẩm hoặc tái thẩm, quyết định giải quyết việc dân sự, quyết định đình chỉ giải quyết vụ việc, quyết định công nhận sự thỏa thuận của các đương sự, trừ trường hợp là thành viên của Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao, Ủy ban Thẩm phán Tòa án nhân dân cấp cao thì vẫn được tham gia giải quyết vụ việc đó theo thủ tục giám đốc thẩm, tái thẩm.

- Họ đã là người tiến hành tố tụng trong vụ việc đó với tư cách là Thẩm tra viên, Thư ký Tòa án, Kiểm sát viên, Kiểm tra viên.

Trong trường hợp này, thẩm phán đã từng tham gia giải quyết vụ án ly hôn với tư cách thư ký tòa án. Hiện tại, thẩm phán tham gia giải quyết vụ án liên quan đến tài sản chung sau khi ly hôn. Vụ án thứ hai là một vụ án khác với vụ án thứ nhất mà thẩm phán đã tham gia xét xử. Do vậy, thẩm phán không thể dựa vào căn cứ này để từ chối tiến hành hành tố tụng. Việc người tiến hành từ chối hoặc bị thay đổi được thực hiện trước phiên tòa hoặc tại phiên tòa. Thẩm quyền thay đổi người tiến hành tố tụng do Chánh án tòa án xác định. 

Bộ luật tố tụng dân sự 2015 không quy định cụ thể các trường hợp vi phạm nghiêm trọng thủ tục tố tụng. Tuy nhiên, qua các Điều 310, Điều 326, Điều 345 Bộ luật tố tụng dân sự 2015 thì vi phạm nghiêm trọng thủ tục tố tụng được hiểu là hành vi vi phạm các thủ tục được quy định trong Bộ luật tố tụng dân sự 2015 và ảnh hưởng nghiêm trọng đến quyền và lợi ích hợp pháp của đương sự. Như vậy, trong trường hợp này, việc thẩm phán A đã tiến hành thu thập bằng chứng, chứng cứ trước khi mở phiên không vi phạm.

Trên đây là tư vấn của Ban biên tập Thư Ký Luật về các trường hợp từ chối tiến hành tố tụng. Bạn nên tham khảo chi tiết Bộ luật tố tụng dân sự 2015 để nắm rõ quy định này.

Trân trọng!

Thư Viện Pháp Luật

lượt xem
Thông báo
Bạn không có thông báo nào