Ủy ban nhân dân xã có được xem là pháp nhân hay không?
Căn cứ Điều 74 Bộ luật dân sự 2015 quy định về pháp nhân như sau:
1. Một tổ chức được công nhận là pháp nhân khi có đủ các điều kiện sau đây:
a) Được thành lập theo quy định của Bộ luật này, luật khác có liên quan;
b) Có cơ cấu tổ chức theo quy định tại Điều 83 của Bộ luật này;
c) Có tài sản độc lập với cá nhân, pháp nhân khác và tự chịu trách nhiệm bằng tài sản của mình;
d) Nhân danh mình tham gia quan hệ pháp luật một cách độc lập.
2. Mọi cá nhân, pháp nhân đều có quyền thành lập pháp nhân, trừ trường hợp luật có quy định khác.
Căn cứ Điều 83 Bộ luật dân sự 2015 quy định về cơ cấu tổ chức của pháp nhân như sau:
1. Pháp nhân phải có cơ quan điều hành. Tổ chức, nhiệm vụ và quyền hạn của cơ quan điều hành của pháp nhân được quy định trong điều lệ của pháp nhân hoặc trong quyết định thành lập pháp nhân.
2. Pháp nhân có cơ quan khác theo quyết định của pháp nhân hoặc theo quy định của pháp luật.
Căn cứ Điều 8 Luật tổ chức chính quyền địa phương 2015 quy định về Uỷ ban nhân dân như sau:
1. Ủy ban nhân dân do Hội đồng nhân dân cùng cấp bầu, là cơ quan chấp hành của Hội đồng nhân dân, cơ quan hành chính nhà nước ở địa phương, chịu trách nhiệm trước Nhân dân địa phương, Hội đồng nhân dân cùng cấp và cơ quan hành chính nhà nước cấp trên.
2. Ủy ban nhân dân gồm Chủ tịch, Phó Chủ tịch và các Ủy viên, số lượng cụ thể Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân các cấp do Chính phủ quy định.
Như vậy, Uỷ ban nhân dân không phải là pháp nhân, không có tài sản độc lập, không tự chịu trách nhiệm bằng tài sản của mình. Uỷ ban nhân dân là cơ quan hành chính nhà nước ở địa phương.
Trên đây là tư vấn của Ban biên tập Thư Ký Luật về tư cách pháp nhân của ủy ban nhân dân xã. Bạn nên tham khảo chi tiết Bộ luật dân sự 2015 để nắm rõ quy định nãy.
Trân trọng!
Thư Viện Pháp Luật