Thủ tục và mức tiền đặt bảo lãnh xe vi phạm
Theo quy định tại Điểm b Khoản 1, Điều 14, Khoản 3, Điều 15 Nghị định số 115/2013/NĐ-CP ngày 3/10/2014 quy định về quản lý, bảo quản tang vật, phương tiện vi phạm hành chính bị tạm giữ, tịch thu theo thủ tục hành chính thì tổ chức, cá nhân vi phạm có khả năng tài chính đặt tiền bảo lãnh thì có thể được giữ, bảo quản phương tiện
Thủ tục và mức tiền đặt bảo lãnh
- Tổ chức, cá nhân đặt tiền bảo lãnh cho người có thẩm quyền tạm giữ phương tiện. Mức tiền đặt bảo lãnh ít nhất phải bằng mức tiền phạt tối đa của khung tiền phạt quy định cho hành vi vi phạm. Tiền đặt bảo lãnh được trả lại cho tổ chức, cá nhân đặt bảo lãnh sau khi tổ chức, cá nhân vi phạm đã chấp hành xong quyết định xử phạt.
Việc đặt tiền bảo lãnh và trả lại số tiền đó phải được lập biên bản. Biên bản được lập thành hai bản, một bản giao cho tổ chức, cá nhân đặt tiền bảo lãnh.
- Trong thời hạn 10 ngày, kể từ ngày hết thời hạn chấp hành quyết định xử phạt mà tổ chức, cá nhân không chấp hành quyết định xử phạt thì số tiền đặt bảo lãnh được chuyển thành số tiền xử phạt; trường hợp số tiền đặt bảo lãnh lớn hơn số tiền xử phạt thì phần còn lại của số tiền đặt bảo lãnh sau khi trừ số tiền xử phạt được trả lại cho tổ chức, cá nhân đặt bảo lãnh.
5 trường hợp không được đặt tiền bảo lãnh
Theo quy định tại Khoản 5, Điều 15 Nghị định số 115/2013/NĐ-CP thì các trường hợp sau đây tổ chức, cá nhân vi phạm không được đặt tiền bảo lãnh để giữ, bảo quản phương tiện giao thông bị tạm giữ để bảo đảm thi hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính:
- Phương tiện giao thông của vụ vi phạm là vật chứng của vụ án hình sự.
- Phương tiện giao thông đang được đăng ký giao dịch bảo đảm.
- Phương tiện giao thông được sử dụng để đua xe trái phép, chống người thi hành công vụ, gây rối trật tự công cộng hoặc gây tai nạn giao thông.
- Giấy đăng ký phương tiện bị làm giả, sửa chữa.
- Biển kiểm soát giả, phương tiện bị thay đổi trái phép số khung, số máy hoặc bị xóa số khung, số máy.
Thư Viện Pháp Luật