Thẩm quyền giải quyết tranh chấp lao động có yếu tố nước ngoài
Theo quy định tại Khoản 4 Điều 16 Luật Thương mại 2005 và Luật Doanh nghiệp 2014 thì:
Doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài được thương nhân nước ngoài thành lập tại Việt Nam theo quy định của pháp luật Việt Nam hoặc điều ước quốc tế mà Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên thì được coi là thương nhân Việt Nam.
Như vậy, trường hợp này, công ty bị kiện có 100% vốn nước ngoài tuy nhiên được thành lập và hoạt động theo pháp luật Việt Nam nên được coi là thương nhân Việt Nam. Vì vậy, thẩm quyền của Tòa giải quyết tranh chấp giữa Công ty này với cá nhân Việt Nam cũng được xác định bình thường như đối với doanh nghiệp Việt Nam.
Căn cứ theo quy định tại Khoản 1, Điều 32 Bộ luật Tố tụng dân sự 2015 về Những tranh chấp về lao động thuộc thẩm quyền giải quyết của Tòa án như sau:
“1. Tranh chấp lao động cá nhân giữa người lao động với người sử dụng lao động phải thông qua thủ tục hòa giải của hòa giải viên lao động mà hòa giải thành nhưng các bên không thực hiện hoặc thực hiện không đúng, hòa giải không thành hoặc không hòa giải trong thời hạn do pháp luật quy định, trừ các tranh chấp lao động sau đây không bắt buộc phải qua thủ tục hòa giải:
a) Về xử lý kỷ luật lao động theo hình thức sa thải hoặc tranh chấp về trường hợp bị đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động;
b) Về bồi thường thiệt hại, trợ cấp khi chấm dứt hợp đồng lao động;
c) Giữa người giúp việc gia đình với người sử dụng lao động;
d) Về bảo hiểm xã hội theo quy định của pháp luật về bảo hiểm xã hội, về bảo hiểm y tế theo quy định của pháp luật về bảo hiểm y tế, về bảo hiểm thất nghiệp theo quy định của pháp luật về việc làm, về bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp theo quy định của pháp luật về an toàn, vệ sinh lao động;
đ) Về bồi thường thiệt hại giữa người lao động với doanh nghiệp, đơn vị sự nghiệp công lập đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng.”
Theo Điểm c Khoản 1 Điều 35 Bộ luật Tố tụng dân sự 2015 thì tranh chấp về lao động quy định tại Điều 32 của Bộ luật này thuộc thẩm quyền giải quyết của Tòa án cấp huyện.
Như vậy, từ hai quy định trên có thể thấy rằng Tòa án cấp huyện hoàn toàn có đủ thẩm quyền để giải quyết tranh chấp về sa thải trong lĩnh vực lao động giữa bạn và công ty 100% vốn Hàn Quốc.
Trên đây là tư vấn của Ban biên tập Thư Ký Luật về thẩm quyền giải quyết tranh chấp lao động có yếu tố nước ngoài. Bạn nên tham khảo chi tiết Bộ luật Tố tụng dân sự 2015 và các văn bản liên quan để nắm rõ quy định này.
Trân trọng!
Thư Viện Pháp Luật