Chính sách của Nhà nước đối với thanh niên dân tộc thiểu số được quy định thế nào?
Chính sách của Nhà nước đối với thanh niên dân tộc thiểu số được quy định tại Điều 24 Luật Thanh niên 2005 như sau:
1. Nâng cao chất lượng giáo dục ở các trường phổ thông dân tộc nội trú, trường phổ thông dân tộc bán trú, trường dự bị đại học; thực hiện chính sách cử tuyển bảo đảm đúng đối tượng và yêu cầu về ngành, nghề cần đào tạo; miễn, giảm học phí, cấp sách giáo khoa và các chính sách ưu đãi khác theo quy định của pháp luật để tạo điều kiện cho thanh niên dân tộc thiểu số ở những vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn có cơ hội học tập, tiếp cận thông tin.
2. Khuyến khích và hỗ trợ thanh niên dân tộc thiểu số giữ gìn, phát huy bản sắc văn hoá dân tộc, xây dựng nếp sống văn minh, đấu tranh chống các hủ tục, tập quán lạc hậu.
3. Ưu tiên dạy nghề, giải quyết việc làm và cho vay vốn phát triển sản xuất, ứng dụng tiến bộ kỹ thuật vào sản xuất và đời sống, phát huy tính năng động của thanh niên dân tộc thiểu số trong lao động sản xuất, nâng cao chất lượng cuộc sống.
4. Đào tạo, bồi dưỡng thanh niên ưu tú người dân tộc thiểu số để tạo nguồn cán bộ quản lý, lãnh đạo.
- Ngoài ra, nội dung này còn được hướng dẫn bởi Điều 10 Nghị định 120/2007/NĐ-CP như sau:
1. Thanh niên dân tộc thiểu số diện cử tuyển học nghề nội trú với thời gian đào tạo từ 03 tháng trở lên tại các cơ sở dạy nghề công lập được hưởng trợ cấp xã hội và các chính sách khác như học sinh trung học phổ thông dân tộc nội trú.
2. Thanh niên dân tộc thiểu số của hộ nghèo không thuộc đối tượng quy định tại khoản 1 Điều này, theo học tại các cơ sở dạy nghề công lập được hỗ trợ 70% học phí và không quá 05 tháng/người/khoá học nghề.
3. Kinh phí thực hiện chính sách quy định tại khoản 1, khoản 2 Điều này bố trí từ ngân sách địa phương chi thường xuyên sự nghiệp giáo đục, đào tạo và dạy nghề được giao hàng năm. Ngân sách trung ương bổ sung cho các tỉnh chưa tự cân đối được ngân sách và có số lượng lớn thanh niên dân tộc thiểu số theo chương trình mục tiêu từ nguồn kinh phí của dự án “Tăng cường năng lực đào tạo nghề” thuộc Chương trình quốc gia giáo dục - đào tạo.
4. Thanh niên dân tộc thiểu số của hộ nghèo, ở vùng có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn, vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn theo học các chương trình đào tạo trình độ thạc sĩ, tiến sĩ được miễn học phí, cấp học bổng, giáo trình học tập và được ưu tiên bố trí chỗ ở tại ký túc xá.
5. Thanh niên dân tộc thiểu số có thành tích trong học tập, hoạt động kinh tế, hoạt động xã hội, quốc phòng, an ninh được ưu tiên quy hoạch, đào tạo, bồi dưỡng để trở thành cán bộ cán bộ lãnh đạo, quản lý.
6. Tổ chức, cá nhân có dự án đầu tư phát triển các loại hình hoạt động văn hoá, nghệ thuật, thể dục, thể thao để thanh niên dân tộc thiểu số giữ gìn, phát huy bản sắc văn hoá dân tộc, xây dựng nếp sống văn minh, đấu tranh chống các hủ tục, tập quán lạc hậu được khuyến khích và ưu đãi về thuế, đất đai theo quy định.
Trên đây là nội dung tư vấn của Ban biên tập Thư Ký Luật về chính sách của Nhà nước đối với thanh niên dân tộc thiểu số. Để hiểu rõ chi tiết hơn về điều này bạn nên tham khảo thêm tại Luật Thanh niên 2005.
Trân trọng!