Quyền, trách nhiệm của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội đối với Tập đoàn Hóa chất Việt Nam
Quyền, trách nhiệm của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội đối với Tập đoàn Hóa chất Việt Nam được quy định tại Điều 29 Điều lệ tổ chức và hoạt động của Tập đoàn Hóa chất Việt Nam ban hành kèm theo Nghị định 190/2013/NĐ-CP như sau:
1. Có ý kiến để Thủ tướng Chính phủ: Quyết định thành lập, mục tiêu, nhiệm vụ, ngành, nghề kinh doanh, tổ chức lại, giải thể, chuyển đổi sở hữu và yêu cầu phá sản Tập đoàn Hóa chất Việt Nam; phê duyệt Đề án thành lập công ty con 100% vốn nhà nước, tổ chức doanh nghiệp cấp II thành tổng công ty hoạt động theo hình thức công ty mẹ - công ty con; phê duyệt chủ trương thành lập, tổ chức lại, giải thể chi nhánh, văn phòng đại diện, các đơn vị nghiên cứu khoa học, đào tạo và các đơn vị hạch toán phụ thuộc khác; phê duyệt Đề án tổng thể sắp xếp, đổi mới doanh nghiệp của Tập đoàn Hóa chất Việt Nam (bao gồm Đề án tổng thể sắp xếp, đổi mới doanh nghiệp của Tập đoàn).
2. Có ý kiến thỏa thuận để Bộ Công Thương quyết định lương của Chủ tịch và thành viên Hội đồng thành viên, Tổng giám đốc, Kiểm soát viên chuyên ngành tại Tập đoàn Hóa chất Việt Nam, quỹ lương hằng năm của Hội đồng thành viên Tập đoàn Hóa chất Việt Nam.
3. Phối hợp với Bộ Công Thương thực hiện giám sát, kiểm tra định kỳ hàng năm và thanh tra theo quy định việc thực hiện chế độ tuyển dụng, tiền lương, tiền thưởng của Tập đoàn Hóa chất Việt Nam.
4. Thực hiện các quyền, trách nhiệm khác theo quy định của pháp luật, phân công của chủ sở hữu nhà nước và Điều lệ này.
Trên đây là quy định về Quyền, trách nhiệm của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội đối với Tập đoàn Hóa chất Việt Nam. Để hiểu rõ hơn bạn nên tham khảo thêm tại Nghị định 190/2013/NĐ-CP.
Trân trọng!
Thư Viện Pháp Luật