Làm thụ tinh nhân tạo có được nghỉ dưỡng thai không?
Theo khoa học, thụ tinh nhân tạo (IUI) – còn gọi là thụ tinh bằng phương pháp bơm tinh trùng vào buồng tử cung – được tiến hành bằng cách chọn lọc tinh trùng khỏe nhất của người chồng, sau đó bơm vào buồng tử cung của người vợ ở thời điểm rụng trứng. Phương pháp này nhằm giúp tăng khả năng đậu thai cho những cặp vợ chồng bị hiếm muộn do tinh trùng yếu, ít; cổ tử cung yếu; lạc nội mạc tử cung nhẹ… hoặc vô sinh hiếm muộn không rõ nguyên nhân.
Thứ nhất, có được nghỉ dưỡng thai hay không?
Pháp luật hiện hành không giới hạn quyền nghỉ dưỡng thai của lao động nữ. Do vậy, tùy theo tình hình sức khỏe mà bạn có thể nghỉ dưỡng thai theo chỉ định của bác sĩ.
Thứ hai, về điều kiện hưởng chế độ thai sản:
Căn cứ quy định tại Khoản 1 Điều 34 Luật Bảo hiểm xã hội 2014 thì người lao động được hưởng chế độ thai sản khi thuộc một trong các trường hợp sau đây:
- Lao động nữ mang thai;
- Lao động nữ sinh con;
- Lao động nữ mang thai hộ và người mẹ nhờ mang thai hộ;
- Người lao động nhận nuôi con nuôi dưới 06 tháng tuổi;
- Lao động nữ đặt vòng tránh thai, người lao động thực hiện biện pháp triệt sản;
- Lao động nam đang đóng bảo hiểm xã hội có vợ sinh con.
Theo quy định này, lao động nữ mang thai (không phân biệt phương pháp nào), lao động nữ sinh con là các trường hợp được hưởng chế độ thai sản.
Về điều kiện hưởng chế độ thai sản đối với lao động nữ sinh con mà trong thời gian mang thai phải nghỉ dưỡng thai theo quy định tại Khoản 3 Điều 31 Luật Bảo hiểm xã hội 2014 thì:
Lao động nữ sinh con đã đóng bảo hiểm xã hội từ đủ 12 tháng trở lên mà khi mang thai phải nghỉ việc để dưỡng thai theo chỉ định của cơ sở khám bệnh, chữa bệnh có thẩm quyền thì phải đóng bảo hiểm xã hội từ đủ 03 tháng trở lên trong thời gian 12 tháng trước khi sinh con.
Như vậy, lao động nữ mang thai theo phương pháp thụ tinh nhân tạo nếu đáp ứng điều kiện về thời gian đóng bảo hiểm xã hội nêu trên vẫn được hưởng chế độ thai sản như các đối tượng lao động nữ mang thai khác.
Thứ 3, hồ sơ hưởng chế độ thai sản đối với lao động nữ sinh con bao gồm:
- Bản sao giấy khai sinh hoặc bản sao giấy chứng sinh của con;
- Bản sao giấy chứng tử của con trong trường hợp con chết, bản sao giấy chứng tử của mẹ trong trường hợp sau khi sinh con mà mẹ chết;
- Giấy xác nhận của cơ sở khám bệnh, chữa bệnh có thẩm quyền về tình trạng người mẹ sau khi sinh con mà không còn đủ sức khỏe để chăm sóc con;
- Trích sao hồ sơ bệnh án hoặc giấy ra viện của người mẹ trong trường hợp con chết sau khi sinh mà chưa được cấp giấy chứng sinh;
- Giấy xác nhận của cơ sở khám bệnh, chữa bệnh có thẩm quyền về việc lao động nữ phải nghỉ việc để dưỡng thai theo chỉ định của cơ sở khám, chữa bệnh.
Thư Viện Pháp Luật