Việc thu, nộp phí bảo lãnh chính phủ được quy định như thế nào?
Theo quy định hiện hành tại Điều 30 Nghị định 04/2017/NĐ-CP thì việc thu, nộp phí bảo lãnh chính phủ được quy định như sau:
1. Phí bảo lãnh chính phủ được tính trên dư nợ gốc của khoản vay, khoản phát hành trái phiếu và loại tiền vay được Chính phủ bảo lãnh theo mức phí bảo lãnh chính phủ được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, được tính bắt đầu từ ngày rút vốn đầu tiên hoặc ngày thanh toán tiền mua trái phiếu.
2. Phí bảo lãnh chính phủ được tính bằng loại tiền vay và được thu bằng đồng Việt Nam quy đổi theo tỷ giá bán ra do Ngân hàng Thương mại Cổ phần Ngoại thương Việt Nam công bố chính thức tại thời điểm nộp phí bảo lãnh và phải nộp cho Quỹ tích lũy trả nợ vào ngày thanh toán lãi của khoản vay, khoản phát hành trái phiếu được Chính phủ bảo lãnh.
3. Trong vòng 10 ngày kể từ ngày đến hạn theo quy định tại khoản 2 Điều này, nếu Bộ Tài chính không nhận được phí phải nộp, Người được bảo lãnh phải chịu lãi quá hạn trên số tiền phí bảo lãnh chính phủ chậm nộp:
a) Được tính trên số ngày chậm nộp kể từ ngày đến hạn đến ngày thực nộp.
b) Lãi suất áp dụng cho khoản phí bảo lãnh chính phủ chậm nộp bằng lãi suất của khoản vay, khoản phát hành trái phiếu được Chính phủ bảo lãnh.
c) Nếu lãi suất của khoản vay, khoản phát hành trái phiếu là lãi suất thả nổi, Bộ Tài chính áp dụng lãi suất tham chiếu cùng kỳ trả lãi của khoản vay, khoản phát hành trái phiếu được Chính phủ bảo lãnh để tính toán lãi quá hạn.
Việc thu, nộp phí bảo lãnh chính phủ được quy định tại Nghị định 04/2017/NĐ-CP về cấp và quản lý bảo lãnh chính phủ.
Trân trọng!
Thư Viện Pháp Luật