Cách nào chứng minh vô tội khi bị bắt oan?
Theo Điều 10 Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2003, Cơ quan điều tra, Viện kiểm sát và Toà án phải áp dụng mọi biện pháp hợp pháp để xác định sự thật của vụ án một cách khách quan, toàn diện và đầy đủ, làm rõ những chứng cứ xác định có tội và chứng cứ xác định vô tội, những tình tiết tăng nặng và những tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự của bị can, bị cáo.
Trách nhiệm chứng minh tội phạm thuộc về các cơ quan tiến hành tố tụng. Bị can, bị cáo không buộc phải chứng minh là mình vô tội.
Như vậy, trách nhiệm chứng minh tội phạm thuộc về các cơ quan tố tụng và em trai bạn không có nghĩa vụ phải chứng minh mình vô tội. Tuy nhiên, để đảm bảo quyền và lợi ích hợp pháp của mình, em trai bạn có quyền chứng minh mình vô tội.
Theo như trình bày, em trai bạn bị công an bắt vì bạn của em trai khai ra và thời gian vụ trộm cắp xảy ra trùng với thời gian em trai bạn đang điều trị tại bệnh viện. Do đó, trong quá trình làm việc với cơ quan có thẩm quyền, em trai bạn cần thành thật khai báo tình tiết này để chứng minh có chứng cứ “ngoại phạm”.
Ngoài ra, em trai bạn hoặc/và gia đình có thể yêu cầu bệnh viện điều trị cung cấp thông tin, xác nhận về việc điều trị của em trai bạn tại bệnh viện để làm chứng minh và cung cấp cho cơ quan có thẩm quyền.
Trên cơ sở lời khai và các chứng cứ mà em trai bạn cung cấp, cơ quan chức năng sẽ xác minh, làm rõ sự việc. Nếu em trai bạn thật sự không thực hiện tội phạm thì cơ quan chức năng sẽ không thể khởi tố và truy cứu trách nhiệm hình sự.
Thư Viện Pháp Luật