Chế độ cho người lao động khi làm việc trong môi trường không đảm bảo
Chào chị Nguyệt,
Thông tư 25/2013/TT-BLĐTBXH có quy định về trợ cấp bằng hiện vật, các đối tượng được trợ cấp phải thỏa mãn 2 điều kiện sau:
a) Làm các nghề, công việc thuộc danh mục nghề, công việc đặc biệt nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm và nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm do Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội ban hành;
b) Đang làm việc trong môi trường lao động có ít nhất một trong các yếu tố nguy hiểm, độc hại không đạt tiêu chuẩn vệ sinh cho phép theo quy định của Bộ Y tế hoặc trực tiếp tiếp xúc với các nguồn gây bệnh truyền nhiễm.
Như vậy nếu môi trường lao động bên chị có ít nhất một trong các yếu tố nguy hiểm, độc hại thì những lao động nào làm công việc nặng nhọc độc hại (đã được chi trả lương cao hơn ít nhất 5%) phải được trợ cấp thêm bằng hiện vật theo Thông tư 25/2013/TT-BLĐTBXH.
Bồi dưỡng bằng hiện vật được tính theo định suất hàng ngày và có giá trị bằng tiền tương ứng theo các mức sau:
- Mức 1: 10.000 đồng;
- Mức 2: 15.000 đồng;
- Mức 3: 20.000 đồng;
- Mức 4: 25.000 đồng
Danh mục công việc năng nhọc độc hại gồm có:
1. Quyết định 1152/2003/QĐ-BLĐTBXH về việc ban hành tạm thời danh mục nghề, công việc nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm và đặc biệt nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm do Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội ban hành ngày 18/9/2003.
2. Quyết định 1453/LĐTBXH-QĐ ngày 13/10/1995,
3. Quyết định 915/LĐTBXH-QĐ ngày 30/7/1996,
4. Quyết định 1629/LĐTBXH-QĐ ngày 26/12/1996,
5. Quyết định 190/1999/QĐ-LĐTBXH ngày 03/3/1999,
6. Quyết định 1580/2000/QĐ-LĐTBXH ngày 26/12/2000 và về việc ban hành tạm thời danh mục nghề, công việc đặc biệt nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm và nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm
7. Thông tư 36/2012/TT-BLĐTBXH bổ sung danh mục nghề, công việc nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm và đặc biệt nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm do Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội ban hành.
Thư Viện Pháp Luật