Vợ chồng rút yêu cầu ly hôn nhưng ngân hàng vẫn yêu cầu giải quyết nợ chung thì xử lý như thế nào?
Trong vụ án hôn nhân và gia đình, khi các đương sự rút đơn hoặc hòa giải thành về đoàn tụ thì Tòa án ra quyết định đình chỉ giải quyết vụ án.
Cũng cần lưu ý là:
Trước đây Tòa án vẫn có hình thức ra “quyết định công nhận hòa giải đoàn tụ thành” được hướng dẫn ở Điểm a, Mục 10, Nghị quyết 02/2000/NQ-HĐTP ngày 23-12-2000 của Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao hướng dẫn áp dụng một số quy định của Luật Hôn nhân và Gia đình năm 2000.
Điểm a nói trên quy định:
“Nếu hòa giải đoàn tụ thành mà người yêu cầu xin ly hôn rút đơn yêu cầu xin ly hôn thì Tòa án…ra quyết định đình chỉ việc giải quyết vụ án.
Nếu người xin ly hôn không rút đơn yêu cầu xin ly hôn thì Tòa án lập biên bản hòa giải đoàn tụ thành. Sau 15 ngày…không có sự thay đổi ý kiến cũng như Viện kiểm sát không phản đối thì Tòa án ra quyết định công nhận hòa giải đoàn tụ thành. Quyết định công nhận hòa giải đoàn tụ thành có hiệu lực pháp luật ngay và các đương sự không có quyền kháng cáo, Viện kiểm sát không có quyền kháng nghị theo trình tự phúc thẩm”.
Tuy nhiên, hướng dẫn ở Điểm a, Mục 10 nêu trên là phần hướng dẫn về tố tụng nên đến thời điểm thi hành Bộ luật Tố tụng Dân sự thì phần hướng dẫn trên khác với quy định của Bộ luật Tố tụng Dân sự nên không còn giá trị thi hành.
Khi hòa giải đoàn tụ thì người có đơn xin ly hôn dù không có đơn rút đơn xin ly hôn thì cũng đã có lời khai rút lại yêu cầu ly hôn nên vẫn thuộc trường hợp đình chỉ giải quyết vụ án theo Điều 192 Bộ luật Tố tụng Dân sự.
Trong trường hợp ngân hàng tham gia với tư cách là người có quyền lợi và nghĩa vụ liên quan từ yêu cầu của vợ hoặc chồng cần giải quyết về nợ cùng với việc ly hôn thì khi Tòa án đình chỉ giải quyết vụ án ly hôn bao gồm luôn cả việc không tiếp tục giải quyết việc đòi nợ chung. Đây là trường hợp Ngân hàng không có yêu cầu độc lập trong vụ án ly hôn nên nếu Ngân hàng vẫn muốn yêu cầu giải quyết trả nợ ngay thì Ngân hàng phải khởi kiện một vụ án độc lập về đòi nợ.
Trong trường hợp Ngân hàng đã tham gia tố tụng với tư cách Người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan có yêu cầu độc lập thì họ có quyền và nghĩa vụ tố tụng như một nguyên đơn nên quyết định đình chỉ giải quyết vụ án ly hôn không bao gồm cả quan hệ đòi nợ, Tòa án phải ra Thông báo thay đổi địa vị tố tụng và tiếp tục giải quyết vụ án đòi nợ (vụ án dân sự).
Ví dụ: Anh A xin ly hôn chị B. Anh A có một khoản vay riêng Ngân hàng X và cung không đề cập giải quyết khoản vay này trong vụ án ly hôn. Ngân hàng X thấy việc ly hôn của anh A có thể có việc chia tài sản chung của vợ chồng, ảnh hưởng đến khả năng trả nợ nên có đơn yêu cầu anh A trả nợ ngay và xác định một số tài sản bảo đảm trả nợ. Yêu cầu của Ngân hang X là yêu cầu độc lập và Ngân hàng đã phải làm đơn, nộp tạm ứng án phí theo quy định của pháp luật. Nay quan hệ hôn nhân được đình chỉ việc giải quyết nhung Ngân hàng X không rut yêu cầu, vẫn yêu cầu tiếp tục giải quyết thì Tòa án cần phải ra Thông báo thay đổi địa vị tố tụng, xác định Ngân hàng X là nguyên đơn, anh A là bị đơn, chị B là người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan và tiếp tục giải quyết quan hệ đòi nợ. Vụ án đòi nợ có bản chất là vụ án dân sự nhưng nếu vẫn vẫn tiếp tục giữ nó là vụ án hôn nhân và gia đình đã bị đình chỉ một phần cũng không ảnh hưởng đến quyền, nghĩa vụ của các đương sự và việc áp dụng pháp luật.
Thư Viện Pháp Luật