Thanh toán tiền đối với ngày phép năm còn lại

Chào các anh/ chị. Tôi có một số thắc mắc mong được các anh/chị tư vấn. Điều 114 : Nghỉ phép hằng năm , 12 ngày phép và được cộng thêm 1 ngày nếu nhân viên làm việc trên 5 năm . Trường hợp người lao động không nghỉ hết phép năm thì được thanh toán bằng tiền , điều này có tính BẮT BUỘC không? Công ty có qui định trong hợp đồng lao động ngày phép chuyển sang năm kế tiếp tối đa 5 ngày. Như vậy có trái với luật lao động không? Công đoàn cơ sở tại công ty có quyền hành gì, có thể can thiệp vào việc công ty sa thải nhân viên không?

Vấn đề vướng mắc của chị TVPL có một số thông tin trao đổi như sau:
1. Người lao động chưa nghỉ hết ngày phép năm, doanh nghiệp có nghĩa vụ thanh toán không?
Căn cứ theo quy định tại Điều 114 Bộ luật lao động 2012:
"Điều 114. Thanh toán tiền lương những ngày chưa nghỉ
1. Người lao động do thôi việc, bị mất việc làm hoặc vì các lý do khác mà chưa nghỉ hằng năm hoặc chưa nghỉ hết số ngày nghỉ hằng năm thì được thanh toán bằng tiền những ngày chưa nghỉ."
Như vậy về tinh thần của Luật là nếu người lao động chưa nghỉ hết phép thì được thanh toán tiền những ngày chưa nghỉ, đây là quy định bắt buộc.
Tuy nhiên, trường hợp nếu người sử dụng lao động đã sắp xếp cho người lao động nghỉ phép nhưng người lao động không chịu nghỉ, thì trường hợp này không cần phải trả lương những ngày chưa nghỉ.
2. Việc bảo lưu phép năm: Hiện tại Luật không quy định về vấn đề này, về nguyên tắc trong 1 năm người lao động được nghỉ 12 ngày, và tăng theo thâm niên, nếu không nghỉ hết sẽ được thanh toán bằng tiền. Tuy nhiên các bên vẫn có thể thỏa thuận bảo lưu phép năm qua năm sau chị nhé, điều này pháp luật không cấm và thực tế các doanh nghiệp vẫn thực hiện như vậy.
3. Công đoàn cơ sở là đơn vị đại diện, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của đoàn viên công đoàn, người lao động. Khi doanh nghiệp xử lý kỷ luật lao động thì theo quy định tại Điều 123 Bộ luật lao động 2012 bắt buộc phải có sự tham gia của công đoàn cơ sở. Khi tham gia vào cuộc họp xử lý kỷ luật, công đoàn cơ sở được quyền đưa ra ý kiến để bảo vệ quyền lợi người lao động.

Thư Viện Pháp Luật

lượt xem
Thông báo
Bạn không có thông báo nào