Chuyển tiền trước xuất hóa đơn sau được không?
Về việc lập hóa đơn, hiện nay Thông tư 39/2014/TT-BTC quy định như sau:
“Điều 16. Lập hóa đơn
...2. Cách lập một số tiêu thức cụ thể trên hóa đơn
a) Tiêu thức “Ngày tháng năm” lập hóa đơn
Ngày lập hóa đơn đối với bán hàng hóa là thời điểm chuyển giao quyền sở hữu hoặc quyền sử dụng hàng hóa cho người mua, không phân biệt đã thu được tiền hay chưa thu được tiền...Trường hợp giao hàng nhiều lần hoặc bàn giao từng hạng mục, công đoạn dịch vụ thì mỗi lần giao hàng hoặc bàn giao đều phải lập hóa đơn cho khối lượng, giá trị hàng hóa, dịch vụ được giao tương ứng. ...Trường hợp bán xăng dầu tại các cửa hàng bán lẻ cho người mua thường xuyên là tổ chức, cá nhân kinh doanh; cung cấp dịch vụ ngân hàng, chứng khoán, ngày lập hóa đơn thực hiện định kỳ theo hợp đồng giữa hai bên kèm bảng kê hoặc chứng từ khác có xác nhận của hai bên, nhưng chậm nhất là ngày cuối cùng của tháng phát sinh hoạt động mua bán hàng hóa hoặc cung cấp dịch vụ.”
Theo quy định này, về nguyên tắc thì hóa đơn phải được lập khi chuyển hàng, không căn cứ theo thời điểm thanh toán, do đó lập luận của cơ quan thuế rằng không chấp nhận chuyển tiền trước xuất hóa đơn sau là không có căn cứ. Tuy nhiên, có thể ý của cơ quan thuế trong trường hợp này là như sau: cơ quan thuế không chấp nhận chứng từ thanh toán trước làm chứng từ thanh toán của hóa đơn sau (vì không hợp lý). Trong trường hợp này, thì đơn vị có thể cung cấp các văn bản thỏa thuận của các bên về việc thanh toán này cũng như các hồ sơ, chứng từ về giao hàng để chứng minh. (Đơn vị cũng có thể đề nghị cơ quan thuế chỉ rõ căn cứ của ý kiến của mình: căn cứ vào đâu mà nói rằng hình thức chuyển tiền trước, xuất hóa đơn sau là không được phép thực hiện).
Thư Viện Pháp Luật